3 phút đọc
8/29/2024
VIÊM BÀNG QUANG
Nhiễm trùng tiểu là một bệnh cảnh có một phổ biểu hiện lâm sàng khá đa dạng có thể hoàn toàn không có triệu chứng hoặc biểu hiện với biến chứng nặng nề nhất là sốc nhiễm trùng.
Bệnh nhân có tình trạng vi khuẩn niệu quan trọng có thể hoàn toàn không có triệu chứng, lúc này thuật ngữ chính xác của bệnh chỉ là “vi khuẩn niệu không triệu chứng” (asymptomatic bacteriuria). Theo đồng thuận của các tác giả Hoa Kì, việc điều trị những tình huống vi khuẩn niệu không triệu chứng chỉ nên thực hiện ở một số đối tượng đặc biệt: (1) phụ nữ có thai, (2) bệnh nhân hậu phẫu các thủ thuật can thiệp ở đường tiểu và (3) bệnh nhân trước ghép thận.[1]
Đối với những bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng sẽ được định danh triệu chứng nhờ vào biểu hiện cụ thể trên lâm sàng. Nói chung, có thể phân thành các bệnh cảnh chính như sau:
- Bệnh cảnh với các triệu chứng tại đường tiểu dưới (tiểu gắt, tiểu đau, tiểu khó, tiểu nhiều lần, đau bụng vùng hạ vị).
- Bệnh cảnh nhiễm trùng toàn thân: nhiễm trùng huyết, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân (UOF).
- Bệnh cảnh gợi ý nhiễm trùng tiểu trên: đau bụng, đau hông lưng, nôn ói,…
- Bệnh cảnh gợi ý viêm tiền liệt tuyến: đau vùng sàn chậu và tiểu khó.
Trong công việc chẩn đoán nhiễm trùng tiểu, việc hỏi bệnh sử đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xác định chẩn đoán ban đầu và định hướng xử trí ban đầu. Bệnh sử có giá trị tiên đoán rất cao để chẩn đoán viêm bàng quang đơn giản. Theo một phân tích gộp đã được công bố, nếu bệnh nhân có một trong các triệu chứng gợi ý của nhiễm trùng tiểu (tiểu khó, tiểu lắt nhắt, tiểu máu hoặc đau lưng) và không kèm theo dấu hiệu phức tạp nào khác thì khả năng mắc nhiễm trùng tiểu của bệnh nhân bao gồm viêm bàng quang cấp và viêm thận bể thận là 50%. Thậm chí , tỷ lệ chính xác còn cao hơn đối với những bệnh nhân nữ đã từng nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại nhiều lần. Trong những đối tượng có yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng tiểu và không kèm theo các yếu tố phức tạp và triệu chứng xuất tiết dịch bất thường ở âm đạo, khả năng chẩn đoán nhiễm trùng tiểu ở bệnh nhân có triệu chứng gợi ý có thể lên tới 90% VÀ KHÔNG CẦN LÀM XÉT NGHIỆM GÌ TIẾP THEO. Đối với một bệnh nhân vừa có biểu hiện tiểu đau [tiểu gắt, buốt] vừa có biểu hiện tiểu lắt nhắt và không có kèm theo xuất tiết sinh dục [huyết trắng âm đạo] thì khả năng chẩn đoán nhiễm trùng tiểu là 96%. Đối với nhóm bệnh nhân này, những xét nghiệm nước tiểu bằng que nhúng Dipstick hoặc cấy nước tiểu là không cần thiết trước khi khởi đầu điều trị.[1]
Lưu ý, việc chẩn đoán nhiễm trùng tiểu dựa vào bệnh sử không được áp dụng cho những bệnh nhân là trẻ em, vị thành niên, nam giới và những bệnh nhân có những biểu hiện gợi ý nhiễm trùng tiểu phức tạp.
Nói tóm lại, bệnh nhân viêm bàng quang được chẩn đoán chủ yếu trong hai nhóm bệnh cảnh: (1) có biểu hiện của kích thích bàng quang hoặc bất thường lý tính của nước tiểu làm bệnh nhân phải đi khám bệnh hoặc (2) tầm soát thường quy ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ.
---------------------
Xem phần tiếp theo bài Viêm bàng quang: Chiến lược xác định chẩn đoán
Tham gia khóa học "BỆNH CẦU THẬN" trong thời gian sắp tới để hiểu rõ thêm bệnh học, chẩn đoán và điều trị.