
CHĂM SÓC VỆ SINH CƠ BẢN
Việc vệ sinh cá nhân đúng cách có một vai trò hết sức quan trọng trong việc điều trị nhiễm trùng tiểu và đặc biệt là để dự phòng tái phát. Do đó, cần hướng dẫn cho bệnh nhân thật kĩ lưỡng về các công việc vệ sinh cá nhân này song song với việc điều trị kiểm soát nhiễm trùng bằng kháng sinh. Các công việc chính trong chăm sóc vệ sinh cá nhân nhằm phòng ngừa viêm bàng quang bao gồm:[17]
- Vệ sinh vùng sinh dục đúng cách: chùi vùng âm hộ đúng chiều từ trước ra sau với nguyên tắc tránh dây nhiễm từ vùng hậu môn vào vùng sinh dục.
- Khi tắm rửa mỗi ngày: rửa vùng sinh dục trước nhằm hạn chế dây nhiễm vi khuẩn từ vùng khác của cơ thể vào vùng sinh dục.
- Uống nhiều nước và đi tiểu ít nhất mỗi 4 giờ.
- Có thể uống thêm nước việt quất để hỗ trợ tác dụng diệt khuẩn tại đường tiểu.18
- Không sử dụng thuốc diệt tinh trùng.
- Sử dụng kem estrogen đối với nữ mãn kinh.
---
KIỂM SOÁT TRIỆU CHỨNG KÍCH THÍCH BÀNG QUANG BẰNG CÁC BIỆN PHÁP KHÔNG ĐẶC HIỆU
Để nhằm mục tiêu giảm sự khó chịu do triệu chứng của kích thích bàng quang, có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường NSAIDs để điều trị triệu chứng ban đầu.
Đối với triệu chứng tiểu đau, có thể sử dụng thuốc azo tạo màu nước tiểu để làm giảm kích thích niêm mạc đường tiểu và kích thích bàng quang. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thuốc này chỉ nên sử dụng cho 2 ngày thì ngưng, không được sử dụng kéo dài.
Thuốc azo được khuyến cáo sử dụng là phenazopyridine 200 mg x 3 lần/ngày x 2 ngày.[19,20]
---
ĐÁNH GIÁ TÁI PHÁT VÀ TÁI NHIỄM NHIỄM TRÙNG TIỂU
Tương tự như viêm bàng quang, điều trị viêm thận-bể thận cũng phải hết sức cẩn thận theo dõi sau điều trị để nhằm mục tiêu phòng ngừa biến chứng viêm thận bể thận mạn tính có thể diễn tiến đến bệnh thận giai đoạn cuối.
Cần chú ý dặn dò bệnh nhân lưu ý nếu như xảy ra các tình huống sau:
- Tái phát triệu chứng trong vòng hai tuần sau khi kết thúc điều trị.
- Tái phát nhiễm trùng tiểu ít nhất 2 đợt trong vòng 6 tháng hoặc ít nhất 3 đợt trong vòng 1 năm.
Khi tiếp cận với một tình huống nhiễm trùng tiểu tái diễn (recurrence), cần chú ý nhận diện các trường hợp nhiễm trùng tiểu tái phát (relapse cystitis). Đây là một dấu chứng cho thấy tình trạng nhiễm trùng của đợt trước chưa được giải quyết một cách triệt để. Quan trọng hơn, đây là một chỉ điểm để tìm bằng chứng của bất thường cấu trúc hoặc chức năng của hệ thống tiết niệu.

Hình 16. Chiến lược theo dõi dài hạn sau khi điều trị nhiễm trùng tiểu.
*Đối với những trường hợp nhiễm trùng tiểu tái diễn (recurrence) mà lần bệnh trước bệnh nhân chưa có chỉ định cấy nước tiểu, thì vẫn được xem là nhiễm trùng tiểu tái nhiễm (reinfection) mà chưa được xác định là nhiễm trùng tiểu tái phát, bất kể khoảng thời gian xảy ra nhiễm trùng tiểu lần hai.[13]
#Đối với những bệnh nhân nhiễm trùng tiểu tái nhiễm, vẫn được điều trị theo nguyên tắc thông thường. Tuy nhiên, CHÚ Ý THỰC HIỆN CẤY NƯỚC TIỂU.[13]
Tiêu chí để nhận biết nhiễm trùng tiểu tái phát, khi một tình huống nhiễm trùng tiểu thoả cả hai tiêu chí sau:[13]
- Nhiễm trùng tiểu cấp tái diễn trong vòng 2 tuần kể từ khi kết thúc đợt kháng sinh đầu tiên.
- Kết quả cấy nước tiểu dương tính với chủng vi khuẩn gây bệnh lần đầu.
Những trường hợp nhiễm trùng tiểu tái diễn không thoả tiêu chuẩn trên mà thoả một trong hai tiêu chí sau, được xác định là nhiễm trùng tiểu tái nhiễm:
- Nhiễm trùng tiểu cấp tái diễn 2 đợt trong vòng 6 tháng.
- Nhiễm trùng tiểu cấp tái diễm 3 đợt trong vòng 1 năm.
Tất cả những trường hợp nhiễm trùng tiểu tái diễn nhưng không thoả hai tiêu chí trên được xem là nhiễm trùng tiểu lẻ tẻ và không xem như là một tiêu chí để đánh giá là thất bại điều trị dài hạn.
Khi xảy ra những trường hợp nhiễm trùng tiểu tái diễn, việc điều trị kháng sinh cũng gần như tương tự, nhưng có những điểm khác biệt cần chú ý chính như sau:
- Cẩn thận lựa chọn kháng sinh, cần quan tâm kết quả cấy và kháng sinh của lần diều trị trước.
- Rất cần thiết cấy nước tiểu để định danh vi khuẩn gây bệnh.
Đối với những trường hợp nhiễm trùng tiểu tái phát, cần chú ý thực hiện các khảo sát về hình ảnh học và chức năng hệ thống dẫn nước tiểu đúng thời điểm để tầm soát bất thường cấu trúc và chức năng tạo thành cơ địa dễ cảm nhiễm vi khuẩn.
Đối với những trường hợp nhiễm trùng tiểu tái nhiễm, không khuyến cáo mạnh việc tầm soát cơ địa nhiễm trùng tiểu phức tạp như tái phát, nhưng cần thiết phải điều chỉnh chiến lược phòng ngừa dài hạn bên cạnh các biện pháp phòng ngừa cơ bản khác:[21]
- Sử dụng phòng ngừa nhiễm trùng tiểu bằng vaccine uống OM-89 (Uro-Vaxom).
- Có thể cân nhắc sử dụng kháng sinh phòng ngừa liên tục hoặc sau quan hệ tình dục khi những biện pháp phòng ngừa không kháng sinh không hiệu quả.
- Đối với những bệnh nhân có khả năng tự chăm sóc có thể hướng dẫn tự điều trị kháng sinh ngắn hạn khi xảy ra tái nhiễm viêm bàng quang.

Việc lựa chọn loại kháng sinh để phòng ngừa sẽ tuỳ thuộc vào các yếu tố sau:
- Chủng vi khuẩn gây bệnh đã được phân lập.
- Tiền căn dị ứng.
- Khả năng tương tác với những thuốc khác mà bệnh nhân phải sử dụng đồng thời. Theo khuyến cáo thì nên ưu tiên sử dụng nitrofurantoin hoặc TMP-SMX để phòng ngừa hơn những thuốc khác.[13]
Kiểu thức sử dụng kháng sinh phòng ngừa sau quan hệ tình dục chỉ nên áp dụng đối với những bệnh nhân thường xuyên tái diễn nhiễm trùng tiểu liên quan đến quan hệ tình dục, ngoài ra thì nên sử dụng biện pháp phòng ngừa bằng thuốc kháng sinh liên tục. Khi cho kháng sinh phòng ngừa dài hạn, cần đánh giá lại bệnh nhân mỗi ba tháng để đưa ra quyết định ngưng hay tiếp tục sử dụng thuốc. Theo một số nghiên cứu việc sử dụng nitrofurantoin trong vòng 12 tháng vẫn cho thấy an toàn và không có biến cố nhiễm trùng tiểu tái diễn.[13]
---
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Netter F. Urinary Tract Infections. The Netter Collection of Medical Illustrations: Urinary System. 2 ed: Elsevier; 2016.
2. Meyrier A. Sampling and evaluation of voided urine in the diagnosis of urinary tract infection in adults. Uptodate 2021.
3. Cortes-Penfield NW, Trautner BW, Jump RLP. Urinary Tract Infection and Asymptomatic Bacteriuria in Older Adults. Infectious Disease Clinics 2017;31:673-88.
4. Hooton TM, Gupta K. Acute complicated urinary tract infection (including pyelonephritis) in adults. Uptodate 2021.
5. Nicolle LE. Urinary Tract Infection in Adults. Brenner and Rector's The Kidney: Elsevier; 2015.
6. Siegman-Igra Y, Kulka T, Schwartz D, Konforti N. The significance of polymicrobial growth in urine: contamination or true infection. Scandinavian journal of infectious diseases 1993;25:85-91.
7. Johnson JR, Russo TA. Acute Pyelonephritis in Adults. N Engl J Med 2018;378:48-59.
8. Damjanov I, McCue PA. The Lower Urinary Tract and Male Reproductive System. Rubin's Pathology: Clinicopathologic Foundations of Medicine. 7 ed. Philadelphia: Wolters Kluwer Health/Lippincott Williams & Wilkins.; 2015.
9. Kendrick JB RL, Levi ME. The Patient with Urinary Tract Infection. In: RW S, ed. Manual of Nephrology: Lippincott Williams & Wilkins; 2015.
10. Klemmer PJ, Mattern WD. Urinary Tract Infection. Netter's Internal Medicine. 2 ed: Elsevier; 2008.
11. Kendrick JB, Reller LB, Levi ME. The Patient with Urinary Tract Infection. In: Schrier RW, ed. Manual of Nephrology: Lippincott Williams & Wilkins; 2015.
12. Nicolle LE. Urinary Tract Infection in Adults. Brenner and Rector's The Kidney. 10 ed: Elsevier; 2016.
13. Hooton TM, Gupta K. Recurrent simple cystitis in women. Uptodate 2021.
14. Hooton TM, Kalpana Gupta. Acute complicated urinary tract infection (including pyelonephritis) in adults. Uptodate 2019.
15. Quale J, Spelman D. Overview of carbapenemase-producing gram-negative bacilli. Uptodate 2021.
16. Kang C-I, Kim J, Park DW, et al. Clinical practice guidelines for the antibiotic treatment of community-acquired urinary tract infections. Infection & chemotherapy 2018;50:67.
17. Brusch JL. Prevention of Urinary Tract Infection (UTI) in Women Medscape 2021.
18. González de Llano D, Moreno-Arribas M, Bartolomé B. Cranberry Polyphenols and Prevention against Urinary Tract Infections: Relevant Considerations. Molecules 2020;25:3523.
19. Hooton TM, Gupta K. Acute simple cystitis in women. Uptodate 2021.
20. Rakel D. Integrative Medicine. Philadelphia: Elsevier Saunders; 2012.
21. Bonkat G, Pickard R, Bartoletti R, et al. Urological infections. Arnhem: European Association of Urology 2020.
-------------
Anh/Chị hãy tham gia khóa học "BỆNH CẦU THẬN" diễn ra trong thời gian tới, để hiểu rõ bệnh học cũng nhữ như chẩn đoán và điều trị nhé!