Hình thành và chuyển hóa khí huyết tinh tân dịch

Figure 1. Sơ đồ vận hóa thủy cốc
(Nguồn: chỉnh sửa và bổ sung theo bản của ThS.BS. Lê Hoàng Sơn, Nguyên giảng viên Khoa YHCT, ĐHYD TP.HCM)
1. THỦY CỐC NHẬP VỊ
Các loại thức ăn, nước uống sau khi được nuốt vào đi qua hầu họng theo thực quản xuống phủ Vị. Tại đây, Vị có chức năng nhào trộn, nghiền nát thức ăn, mục đích là để tạo thuận lợi cho quá trình vận hóa thức ăn thành chất tinh vi của Tỳ, cũng như sự truyền tống xuống phủ Tiểu trường sau khi được Tỳ vận hóa.
Vị tính ghét táo và ghét thấp. Thức ăn, nước uống, thuốc, độc chất, bất kể có lợi hay có hại, nếu đi qua đường ăn uống đều được chứa tại phủ Vị. Nên trước khi có tác dụng chữa bệnh, hay gây hại cho tạng phủ nào trong cơ thể, thì đều gây hại cho phủ Vị trước tiên nếu thứ đó có tính táo, tính thấp vượt quá khả năng chịu đựng của phủ Vị. Do đó, khi dùng các thuốc có tính táo, hoặc thấp quá nhiều thì cần thêm các thuốc để bảo vệ phủ Vị, như Cam thảo giảm tính táo các vị thuốc, hoặc như Sinh khương và Đại táo giúp bảo dưỡng Vị tránh tổn thương do táo, thấp.
Túc dương minh Vị kinh đi qua tạng Tâm, nên các nguyên nhân là rối loạn vận hành khí cơ của phủ Vị, hoặc các bệnh lý của phủ Vị đều có thể quấy nhiễu Tâm thần, gây các triệu chứng như mất ngủ, đau ngực, hồi hộp,…
2. TỲ CHỦ VẬN HÓA
Thức ăn sau khi được Vị nghiền nát sẽ được hỏa của Tỳ dương nung nấu để chưng cất thành dạng tinh khí, tinh khí này được Tỳ khí vận hành đưa lên thượng tiêu đến tạng Phế. Có thể hình dung phủ Vị như là nồi chứa thức ăn, Tỳ dương là lửa trong bếp, thức ăn được nấu trong nồi, tinh khí nhẹ trong được thăng bốc lên Phế. Chất nặng đục còn lại sẽ được Vị truyền tống xuống Tiểu trường.
Thức ăn có thành được tinh khí hay không là do Tỳ dương. Nên khi Tỳ dương suy yếu, thức ăn không được chuyển hóa gây hậu quả: (1) Vị khó truyền tống thức ăn xuống Tiểu trường gây đầy bụng; (2) thức ăn không được chuyển hóa, thanh trọc lẫn lộn truyền xuống Đại trường gây cản trở Đại trường tế bí biệt trấp dẫn đến tiêu chảy, phân còn chứa thức ăn chưa được vận hóa; (3) thanh trọc lẫn lộn dồn xuống hạ tiêu làm Thận dương (chân hỏa) bị bức bách mà vượt lên trên gây ra chứng nhiệt. Mặc dù dương hư theo lý sinh ra chứng hàn, tuy nhiên đối với chứng Tỳ dương hư hoặc Tỳ khí hư, do cơ chế trên mà còn có thể phát sinh chứng nhiệt. Tuy nhiên, đối với chứng nhiệt này do Tỳ dương hư, Tỳ khí hư thì phải dùng pháp trị “cam ôn trừ đại nhiệt”, tức phải dùng vị ngọt, tính ấm bổ vào Tỳ dương, Tỳ khí để Tỳ thực hiện tốt chức năng vận hóa thủy cốc, khi Thận hỏa không còn bị bức bách, lập tức trở về chỗ cũ mà nhiệt lui. Bài thuốc kinh diển chính là Bổ trung ích khí thang do Lý Đông Viên sáng tạo.

Figure 2. Minh họa quá trình Tỳ vận hóa thủy cốc
Tỳ ưa táo mà ghét thấp. Do đó, bất cứ loại thức ăn nước uống nào có chứa nhiều thấp đều gây hại cho Tỳ, làm cản trở chức năng vận hóa thủy cốc của Tỳ, dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy. Vì ghét thấp, nên Tỳ có chức năng vận hóa thủy thấp, tức khi có thấp (do ăn uống, thấp tà xâm nhập, hoặc thấp do quá trình hoạt động của các tạng phủ khác trong cơ thể) Tỳ chuyển hóa thấp trong cơ thể thành dạng có thể đào thải ra khỏi cơ thể và vận hành quá trình đào thải thấp. Chính vì vậy, trong các bệnh lý có thấp, bất kể là nội thấp hay ngoại thấp, đều có thể thúc đẩy loại trừ thấp bằng cách kiện chức năng vận hóa thủy thấp của Tỳ.
Mặc dù vận hóa là chức năng của Tỳ dương, Tỳ khí, tuy nhiên để cho quá trình vận hóa xảy ra thì cũng cần có sự hỗ trợ từ Tỳ âm. Do Tỳ âm được nuôi dưỡng là do tinh huyết được tạo thành từ tinh khí mà Tỳ dương vận hóa thủy cốc mà được, nên trừ khi có nguyên nhân làm tổn thương trực tiếp Tỳ âm, nếu không thì Tỳ âm chỉ hư khi mà Tỳ khí đã hư trước đó. Chính vì vậy, trên lâm sàng ít khi gặp chứng Tỳ âm hư mà thường hay gặp Tỳ dương hoặc Tỳ khí hư.
3. VỊ CHỦ GIÁNG
Vận hành của Vị khí chủ giáng, tức là truyền tống thức ăn sau khi nghiền nát và được Tỳ vận hóa xuống Tiểu trường, cho nên các nguyên nhân gây: (1) thức ăn không được nghiền nát; (2) Tỳ không vận hóa được thức ăn; (3) Tiểu trường không thể tiếp nhận thức ăn, sẽ dẫn đến thức ăn tích lại ở Vị, gây Vị khí nghịch dẫn đến nôn ói. Vị giáng muốn giáng được thức ăn thì khâu quan trọng chính là Tỳ khí phải vận hóa thức ăn hoàn thành.
4. TIỂU TRƯỜNG PHÂN BIỆT THANH
Thức ăn trải qua quá trình nghiền nát của Vị và vận hóa của Tỳ, được truyền tống xuống Tiểu trường. Mặc dù được Tỳ vận hóa lấy đi một phần tinh khí, tuy nhiên vẫn còn có những chất tinh vi tồn tại trong đó. Nên khi xuống Tiểu trường, thức ăn lại một lần nữa được hỏa của Tiểu trường gạn lọc lấy tiếp những phần tinh khí còn trong thức ăn đó. Phần tinh khí này cũng được Tỳ vận chuyển lên Phế.
Khi dương khí của Tiểu trường suy yếu, không thể phân thanh giáng trọc, dẫn đến Đại trường không thể thực hiện chức năng tế bí biệt trấp mà gây tiêu chảy.
5. TỲ CHỦ THĂNG
Phần tinh vi của thủy cốc sau khi được Tỳ dương vận hóa và Tiểu trường dương phân thanh trọc sẽ được Tỳ khí thăng lên Phế. Thuật ngữ “Cốc khí” thường dùng chỉ phần tinh vi này, tuy nhiên lại dễ gây nhầm lẫn, bởi lẽ không chỉ có phần thức ăn mà cả phần tinh thanh của nước (thủy khí) cũng được vận hóa lên Phế.
Tỳ nếu không thể thăng thanh, thì thanh trọc dồn xuống hạ tiêu gây Thận hỏa chạy loạn gây nên chứng nhiệt (như đã bàn phía trên mục 2). Ngoài ra, Tỳ chủ thăng dương còn có chức năng giữ cho các tạng phủ trong cơ thể giữ được vị trí vốn có của chúng. Nếu khí thanh dương không thể thăng, dẫn đến các tạng phủ theo trọng lực mà sa xuống dưới. Thường gặp trong các chứng sa tử cung, sa bang quang, sa trực trang, trĩ.
6. PHẾ CHỦ TÚC GIÁNG
Túc có nghĩa là thanh túc, tức làm làm trong sạch. Phế chủ túc giáng có nghĩa là Phế có chức năng gạn lọc thiên khí (khí ở ngoài môi trường) sau khi được hít vào thành hai loại thanh khí và trọc khí. Trọc khí được thải ra ngoài qua cử động thở ra. Chính vì vậy có câu “Phế chủ hô” (thở ra).
7. THẬN CHỦ NẠP KHÍ
Sau khi thanh khí được Phế gạn lọc, phải nhờ chức năng nạp khí của Thận thì thanh khí đó mới được hấp thu vào cơ thể. Nếu Thận không nạp khí thì thanh khí và trọc khí đều được Phế thải ra ngoài qua cử động thở ra. Khi đó, lượng khí thở ra bao gồm cả thanh khí và trọc khí, nên thời gian thở ra kéo dài. Khí ở ngực còn nhiều do thanh khi không được hấp thu, nên Phế không thể hít vào nhiều hơn được, gây ra triệu chứng hít vào ngắn. Chính vì vậy có câu “Thận chủ hấp” (hít vào).
8. TÔNG KHÍ
Cốc khí và thanh khí được Phế thu nhận và hợp nhất tạo thành tông khí. Tông khi sau đó được Phế tuyên thông, tuyên phát đi khắp tất cả cơ quan, tạng phủ trong cơ thể. Khi đến cơ quan tạng phủ nào thì cơ quan tạng phủ đó sẽ nhận phần khí này và tổng hợp thành khí đặc trưng riêng biệt cho cơ quan tạng phủ đó. Ví dụ đến Can thì Can lấy khí này tổng hợp tạo thành Can khí, đến kinh lạc thì kinh lạc sẽ tổng hợp thành kinh lạc khí. Điều này dẫn đến hai hệ quả. Một là, khi Phế không tuyên thông tuyên phát được tông khí thì khí ứ trệ nên ngực gây ngực đầy trướng, căng tức. Hai là, khi tông khí suy thì do mỗi cơ quan tạng phủ đều có khí riêng của chúng nên có thể có cơ quan tạng phủ nào đó khí suy nhưng cũng có cơ quan tạng phủ mà khí không suy.
Tông khí ở trong lồng ngực tạo thành Hung khí. Ngực là nơi định vị của Tâm và Phế. Do đó, Phế và Tâm có mối liên hệ thông qua hung khí. Khi Phế có bệnh, hung khí không yên sẽ ảnh hưởng đến Tâm, ngược lại khi Tâm có bệnh, hung khí cũng không yên mà gây ảnh hưởng đến Phế.
9. DINH VỆ
Tông khí được phân thành hai loại dựa trên đặc tính: (1) dinh khí tính di chuyển chậm hơn, kém linh hoạt hơn, di chuyển trong lòng kinh mạch, chịu trách nhiệm nuôi dưỡng cơ quan tạng phủ bên trong; (2) vệ khí tính di chuyển nhanh hơn, linh hoạt hơn, di chuyển bên ngoài lòng kinh mạch, chịu trách nhiệm nuôi dưỡng các cơ quan bên ngoài, và đi ra tấu lý bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của ngoại tà qua đường bì mao.
Dinh khí di chuyển liên tục trong kinh mạch, theo kinh mạch mà đi khắp cơ thể. Tuy nhiên không phải lúc nào dinh khí cũng tồn tại ở mọi cơ quan tạng phủ với lượng bằng nhau. Tùy theo thời điểm sẽ có lúc dinh khí ở nơi này nhiều nơi khác ít và ngược lại. Kinh điển dựa trên kinh nghiệm có hệ thống hóa được thời gian thịnh suy của dinh khí trong mỗi tạng theo giờ giấc trong ngày (hình). Ý nghĩa của việc đánh giá thịnh suy của dinh khí theo giờ để ứng dụng vào chẩn đoán, điều trị và tiên lượng. Ví dụ giờ dần thì dinh khí thịnh tại Phế, do đó về chẩn đoán nếu các bệnh về Phế thực sẽ nặng lên, các bệnh về Phế hư sẽ nhẹ đi; về điều trị sẽ căn cứ vào giờ thịnh mà tiến hành châm cứu hoặc dùng thuốc để nghênh khí đến hoặc theo khí lui như trong Tý ngọ lưu chú; về tiên lượng thì các bệnh thực của Phế khi đến giờ dần trở nặng, nên bệnh nhân có nguy cơ tử vong trong giờ dần.
10. DINH KHÍ
Phế chủ khí, chủ tuyên phát, nên khí được Phế tuyên tán đi phân bố khắp cơ thể. Mà nền tảng sự hoạt động của tạng phủ cơ quan chính là sự vận hành của khí cơ. Do đó, thông qua sự điều tiết thăng giáng xuất nhập của khí cơ, mà Phế chủ trị tiết, tức trị lý và điều tiết các hoạt động của toàn bộ cơ thể. Trong quá trình phân tán khí đi khắp toàn thân, Phế đồng thời cũng tán dinh khí đến tạng Tâm.
11. TÂM HÓA HUYẾT
Dinh khí sau khi được Phế tán qua Tâm, Tâm dương đưa hỏa vào dinh khí, hóa dinh khí thành huyết dịch. Bản chất của huyết dịch là từ dinh khí kết hợp với Tâm hỏa nên huyết có sắc đỏ, tính ấm, lại có tinh vi của thủy cốc nên có tác dụng nuôi dưỡng và ôn ấm toàn thân. Nếu nơi nào thiếu huyết thì nơi đó khô héo, lạnh lẽo. Cũng vì huyết có tính ấm, mà đồng khí tương cầu, nên đa phần các vị thuốc bổ huyết đều có tính ấm.
Dinh khí cấu thành từ tinh khí của thức ăn, nước uống, thanh khí từ hô hấp, do đó bên trong huyết đã có một phần tân dịch, một phần tinh. Nên có câu mất tân dịch là mất huyết, hay như câu “tinh huyết đồng nguyên”, “tân huyết đồng nguyên”.
Tâm dương góp phần hóa huyết. Nên bài Thập toàn đại bổ dùng Nhục quế để ôn Tâm dương từ đó bổ huyết, Hoàng kỳ để bổ khí từ đó mà bổ huyết. Đường Tông Hải trong Huyết chứng luận bàn rằng trong trời đất có âm dương, trong cơ thể cũng có âm dương chính là thủy hỏa, thủy thời hóa khí, hỏa thời hóa huyết chính là ý Tâm dương hóa huyết.
Tâm huyết dưỡng Tâm thần. Thần là hoạt động của Tâm dương. Tâm dương lại hóa huyết. Như vậy có mối quan hệ mật thiết giữa thần và huyết. Khi Tâm huyết hư thì Tâm thần thất dưỡng gây các chứng tâm quý chính xung, thất miên, kiện vong.
12. TÂM CHỦ HUYẾT MẠCH
Tâm chủ huyết mạch gồm 3 chức năng: (1) Tâm dương hóa đỏ dinh thành huyết; (2) Tâm khí thúc đẩy huyết vận hành toàn thân; (3) Tâm âm nuôi dưỡng mạch lạc toàn thân. Do đó, khi biện luận lâm sàng cần phân biệt rõ chức năng nào bị suy yếu để điều trị cho thích hợp.
Tâm khí thúc đẩy huyết vận hành trong lòng mạch một cách đều đặn và theo quy luật, dưới sự hỗ trợ của Phế khí. Vì khí thúc đẩy huyết hành, mà Phế chủ khí, chủ tuyên phát. Tâm và Phế phối hợp đưa huyết dịch đi khắp toàn thân để nuôi dưỡng và ôn ấm các cơ quan tạng phủ trong cơ thể. Khi Tâm khí suy, huyết hành vô lực dẫn đến huyết ứ trệ trong kinh mạch gây bệnh lý.
Tâm chủ hành huyết, Tâm tàng thần, huyết dưỡng thần, huyết là nơi trú ngụ của thần. Do đó, có mối quan hệ mật thiết giữa huyết và thần. Khi có bất kỳ sự rối loạn nào trong sự vận hành của huyết đều được phản ánh đến Tâm thần. Ứng dụng trong điều trị các chứng đau do huyết ứ cần chú ý đến việc điều lý phần Tâm thần.
Tâm âm nuôi dưỡng mạch lạc, làm cho mạch lạc được trơn tru, mềm mại, dẻo dai. Khi Tâm âm suy không nuôi dưỡng được mạch, làm mạch xơ cứng, giòn dễ vỡ gây xuất huyết.
Tâm khí thúc đẩy huyết vận hành theo một quy luật nhất định, gọi là Tâm luật. Tâm khí bình hòa thì Tâm luật ổn định. Tâm khí biến động dẫn đến Tâm luật cũng bị biến động theo, như khi Tâm có nhiệt, nhiệt thúc khí hành, nên Tâm luật nhanh hơn bình thường, hoặc khi Tâm khí loạn dẫn đến Tâm luật rối loạn.
13. TÂM HÀNH HUYẾT
Huyết dịch vận hành trong mạch bình thường cần 3 điều kiện: (1) mạch phải thông suốt; (2) huyết dịch phải đầy đủ; (3) Tâm khí phải sung mãn. Điều kiện thứ hai ít được chú ý nhất, nên nhớ rằng huyết hư cũng sinh ra huyết ứ. Hải Thượng Lãn Ông cho rằng huyết trong mạch như nước ở sông ngòi, nước đầy đủ thì chảy lưu thông, nước cạn thì chảy khó khăn.
Chức năng Tâm hành huyết có thể nhận định qua quan sát: (1) sắc mặt, sắc lưỡi; (2) mạch thượng; (3) cảm giác ở ngực. Khi Tâm hành huyết bình thường thì sắc mặt hồng nhuận, lưỡi hồng nhuận sáng, mạch hòa hoãn hữu lực, ngực khoan khoái, thư sướng.
14. PHẾ TRIỀU BÁCH MẠCH
Phế khí tuyên tán, phối hợp với Tâm chủ huyết mạch, đưa huyết dịch đi khắp toàn thân theo hệ thống kinh mạch. Sau đó, huyết dịch cũng theo hệ thống kinh mạch mà trở về Phế, để từ đây Phế lại tuyên tán ra khắp nơi, tạo thành vòng tuần hoàn của huyết dịch. Chức năng trên của Phế gọi là triều bách mạch.
Huyết dịch chứa tinh, tân dịch, lại là nơi trú ngụ của thần, khí lại cùng huyết đi tuần hành trong mạch. Phế triều bách mạch. Do đó, tất cả các thông tin về khí huyết của các cơ quan tạng phủ trong toàn bộ cơ thể đều được chuyển về Phế, từ đó Phế mới có thể điều lý trị tiết toàn bộ cơ thể. Ứng dụng điều này, Nạn kinh đề ra phương pháp mạch chẩn dựa vào mạch ở kinh thủ thái âm phế. Ban đầu mạch chẩn theo tam bộ cửu hậu, tức cơ thể được chia thành 3 bộ là thượng, trung, hạ, mỗi bộ có 3 vị trí xem mạch, như vẫy tổng cộng có 9 hậu (9 lần xem xét). Đến Nạn kinh dựa vào lý luận Phế triều bách mạch, chỉ cần xem mạch ở thốn khẩu thuộc kinh thu thái âm Phế. Tuy nhiên, vẫn gọi là tam bộ cửu hậu, nhưng là 3 bộ thốn quan xích, và mỗi bộ xem xét 3 mức khinh án, trung án, trọng án, vậy tổng cũng là 9 hậu.

Figure 3. Tam bộ cửu hậu theo Nội kinh
(Nguồn: Hoàng Duy Tân (2008), Mạch học tổng hợp, NXB Đồng Nai)
15. HUYẾT HÓA TINH
Huyết được Tâm và Phế tuyên tán đi khắp toàn thân thông qua hệ thống kinh lạc. Bản chất của huyết là từ dinh khí được Tâm dương hóa đỏ mà thành, cho nên khi đến cơ quan tạng phủ nào thì sẽ được cơ quan tạng phủ đó sử dụng để tổng hợp thành dạng tinh riêng đặc trưng của nó. Tinh này được gọi chung là tinh hậu thiên, nguồn gốc vốn chủ yếu là do Tỳ vận hóa thủy cốc thành tinh khí, tinh khí lên Phế hợp với thanh khí thành dinh khí, cho nên gọi Tỳ chủ tinh hậu thiên là ý này.
Tinh đặc trưng cho từng cơ quan tạng phủ được lưu trữ tại chính cơ quan tạng phủ đó và được sử dụng như một chất dự trữ. Từ tinh này có thể hóa thành khí của cơ quan tạng phủ, cũng có thể hóa thành huyết của cơ quan tạng phủ đó. Tinh, khí, huyết này chỉ được sử dụng cho riêng cơ quan tạng phủ đó mà thôi. Chính vì vậy mà trong chứng huyết hư, tinh bất túc, khí hư thì không phải tất cả mọi cơ quan tạng phủ đều hư, mà chỉ có một vài cơ quan tạng phủ bị ảnh hưởng tùy theo cơ chế bệnh sinh. Ví dụ, huyết đến Can, được Can tổng hợp thành Can tinh, Can tinh tang trữ tại tạng Can, khi cần sẽ chuyển thành Can khí để thực hiện các chức năng như sơ tiết, tang hồn, hoặc chuyển thành Can huyết để từ đây theo kinh mạch đi nuôi dưỡng hệ cân trong cơ thể.
16. THẬN TÀNG TINH
Tinh của các cơ quan tạng phủ sau khi được tổng hợp và tang trữ tại chính cơ quan tạng phủ đó, nếu dư thừa sẽ theo huyết đi trong hệ thống kinh lạc toàn thân mà tập trung về tang trữ tại tạng Thận. Ngoài ra, tại Thận đã có tang trữ sẵn tinh tiên thiên, vốn được tạo thành do tinh cha phối hợp với tinh mẹ từ thời kỳ bào thai.
Tinh tiên thiên là cái ban đầu hình thành nên sự sống. Từ tinh tiên thiên hình thành nên nguyên thần, nguyên thủy, nguyên hỏa, nguyên khí. Nguyên thần và nguyên hỏa sau khi hình thành sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và phát triển trong quá trình phát triển của bào thai, và đến thời điểm nhất định sẽ sinh ra Tâm hỏa (quân hỏa) và Tâm thần. Khi Tâm hỏa và Tâm thần sinh ra sẽ nắm vị trí cai quản (quân chủ), còn nguyên hỏa và nguyên thần trở thành tướng.
Tinh tiên thiên là nguồn sinh phát để tạo thành tinh hậu thiên. Tinh hậu thiên sau khi được tạo thành sẽ liên tục bổ sung cho tinh hậu thiên để duy trì sự sống. Tuy nhiên, tinh tiên thiên vẫn có sự suy giảm theo thời gian do sự lão hóa của cơ thể, cho nến đến thời điểm tinh tiên thiên cạn kiệt thì người sẽ chết.
Thận tàng tinh vừa là nơi dự trữ tinh cho toàn cơ thể, vừa giữ vai trò điều phối sự phân bố của tinh theo nhu cầu của từng cơ quan tạng phủ. Khi cơ quan tạng phủ nào thiếu tinh hoặc có nhu cầu cần nhiều tinh thì Thận sẽ phân phối tinh đến để cung cấp cho cơ quan tạng phủ đó nhiều hơn.
17. TIỂU TRƯỜNG PHÂN THANH TRỌC
Tiểu trường nhận thức ăn sau khi được Tỳ vận hóa từ Vị truyền tống xuống. Tiểu trường phân biệt thanh trọc lần hai (như đã bàn trên mục 4) thành ba phần: (1) phần tinh thanh được Tỳ vận chuyển lên Phế; (2) phần thủy thanh theo Tam tiêu xuống Bàng quang; (3) phần trọc xuống Đại trường.
18. TRUYỀN TỐNG XUỐNG ĐẠI TRƯỜNG
Tiểu trường truyền tống phần thủy cốc sau khi phân biệt thanh trọc tại Tiểu trường xuống Đại trường. Điều kiện để truyền tống xuống Đại trường cần phải: (1) Tiểu trường phải phân biệt thanh trọc hoàn thành; (2) Tiểu trường khí phải sung mãn để truyền tống; (3) Đại trường còn khả nhân tiếp nhận. Nếu một trong các điều kiện này không thể đáp ứng sẽ gây ra hậu quả: (1) thủy cốc tích tụ lại Tiểu trường gây triệu chứng đầy bụng, trướng bụng; (2) thanh trọc lẫn lộn dồn xuống Đại trường dẫn đến Đại trường bị rối loạn công năng tế bí biệt trấp và truyền tống gây tiêu chảy.
19. TẾ BÍ BIỆT TRẤP
Đại trường khi tiếp nhận thủy cốc do Tiểu trường truyền tống xuống sẽ tiến hành gạn lọc thủy thanh trong phần thủy cốc này để chuyển sang Bàng quang gọi là tế bí biệt trấp. Chức năng tế bí biệt trấp này của Đại trường phụ thuộc vào: (1) tình trạng tân dịch của cơ thể; (2) tình trạng tân dịch của Đại trường.
Nếu tân dịch của cơ thể hoặc của Đại trường giảm, thì Đại trường tăng cường tế bí biệt trấp để tăng cường hấp thu và giữ lại tân dịch cho cơ thể. Ngược lại, nếu tân dịch của cơ thể hoặc của Đại trường dư thừa, Đại trường giảm tế bí biệt trấp, để thải bớt tân dịch, khi đó tân dịch trong phân sẽ tăng lên dẫn đến tiêu chảy.
Ứng dụng vào lâm sàng, khi cần loại bỏ tân dịch khỏi cơ thể trong trường hợp thừa tân dịch như thủy thũng, cổ trướng, thì sử dụng các thuốc tả hạ gây tiêu chảy để gây mất tân dịch theo đường Đại trường.
Tân dịch của Phế và Đại trường có quan hệ mật thiết với nhau. Khi Tân dịch của Phế bị giảm thì tân dịch của Đại trường giảm theo, ngược lại khi tân dịch của Đại trường giảm thì kéo theo tân dịch của Phế cũng giảm. Trên lâm sàng, khi muốn nhuận trường có thể thêm thuốc nhuận Phế, hoặc ngược lại khi muốn nhuận Phế có thể thêm thuốc nhuận trường.
20. ĐẠI TRƯỜNG TRUYỀN TỐNG PHÂN
Đại trường sau khi tế bí biệt trấp, phần còn lại sẽ thành phân và trữ lại Đại trường, sau đó Đại trường truyền tống phân ra khỏi cơ thể. Điều kiện để Đại trường truyền tống bình thường: (1) khí lực của Đại trường sung mãn; (2) sự điều hòa đóng mở tiền âm, hậu âm của Thận khí phải hoàn thành.
Nếu khí lực của Đại trường nếu quá vượng thì phân được truyền tống nhanh, dẫn đến không đủ thời gian tế bí biệt trấp gây tiêu chảy, ngược lại khí lực của Đại trường kém thì truyền tống chậm, phân lưu tại Đại trường lâu dẫn đến tế bí biệt trấp nhiều hơn, phân khô hơn và gây táo bón.
Thận khí chủ đóng mở tiền âm hậu âm. Khi Thận khí suy yếu không làm chủ được sự đóng mở hậu âm, dẫn đến bệnh nhân đi tiêu không kiểm soát.
21. THẬN KHÍ HÓA BÀNG QUANG
Thủy dịch do Tiểu trường phân thanh trọc, Đại trường tế bí biệt trấp và Phế thông điều thủy đạo sẽ được đưa đến Bàng quang. Bàng quang chịu trách nhiệm chứa đựng lượng thủy dịch này chờ được Thận khí hóa. Có thể hình dung Bàng quang như ấm nước, Thận khí như bếp lửa, lửa nung nấu thủy dịch trong Bàng quang thành hai phần: (1) phần khí thanh có nguồn gốc từ thủy gọi là khí trong thủy (đây là ý thủy thời hóa khí mà Đường Tông Hải nhắc đến); (2) phần thủy trọc.
Thận khí hóa Bàng quang nếu rối loạn có hai trường hợp xảy ra: (1) Thận khí hóa Bàng quang quá nhiều, dẫn đến phần khí trong thủy được hấp thu trở lại cơ thể nhiều hơn, lượng thủy trọc ít đi, cô đặc lại dẫn đến nước tiểu vàng, ít; (2) Thận khí Bàng quang không hoàn thành, thủy dịch trữ lại tại Bàng quang quá nhiều sẽ gây tăng lượng nước tiểu, và nước tiểu nhạt màu do không được cô đặc, hoặc thủy dịch tích trữ tại Bàng quang quá nhiều sẽ tràn ra ngoài bì phu gây thủy thũng, lúc đó lượng nước tiểu cũng sẽ ít đi.
Thận khí hóa Bàng quang và Thận chủ thủy phối hợp với nhau để giữ cân bằng lượng thủy dịch trong cơ thể. Thận khí hóa Bàng quang điều chỉnh tăng hoặc giảm quá trình thải trừ thủy dịch. Thận chủ thủy, thủy tức là thủy dịch toàn thân.
Thủy trọc sau khi được Thận khí hóa hoàn thành sẽ được trữ tại Bàng quang, khi đầy sẽ được Bàng quang truyền tống ra ngoài cơ thể, chính là nước tiểu. Quá trình truyền tống nước tiểu cần điều kiện: (1) khí lực của Bàng quang sung mãn; (2) chức năng Thận chủ tiền âm hậu âm bình thường. Bàng quang bị cản trở chức năng truyền tống gây triệu chứng tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, tiểu gấp. Nếu Thận không làm chủ đóng mở tiền âm dẫn đến đi tiểu không tự chủ.
22. THÁI DƯƠNG CHỦ
Khí trong thủy sau khi được Thận khí hóa Bàng quang hình thành sẽ thực hiện nhiều chức năng: (1) góp phần hình thành vệ khí; (2) vận lên Phế để thành tân dịch; (3) vận lên Tâm để thanh Tâm hỏa.
Trong chức năng hình thành vệ khí, khí trong thủy theo Túc thái dương Bàng quang kinh lên Phế, từ đây hợp với phần của Tông khí hình thành nên vệ khí. Do đó, Phế chủ biểu, Thái dương kinh cũng chủ biểu, ngoại tà khi tấn công vào cơ thể trước hết phải qua được Thái dương kinh, đấu tranh với vệ khí nơi bì mao tấu lý rồi mới vào đến các cơ quan tạng phủ khác.
23. VỆ KHÍ
Vệ khí sau khi được hình thành, vì bản tính nhanh mạnh, sẽ chạy bên ngoài long kinh mạch, phát tán ra ngoài đến tấu lý rồi bì mao. Chức năng của vệ khí: (1) bảo vệ cơ thể kháng lại sự xâm nhập của ngoại tà; (2) nuôi dưỡng, đảm bảo sự toàn vẹn chức năng của lớp bì mao tấu lý; (3) điều hòa việc đóng mở bì khổng (lỗ chân lông) qua đó điều hòa bài tiết mồ hôi; (4) thông qua điều hòa bài tiết mồ hôi điều hòa thân nhiệt và tân dịch của cơ thể.
Vệ khí được hình thành với sự tham gia của 3 tạng: (1) Tỳ vận hóa thủy cốc thành tinh khí; (2) Phế hình thành tông khí; (3) Thận khí hóa Bàng quang. Do đó nếu một trong ba chức năng trên có trở ngại thì vệ khí sẽ suy yếu.
Hậu quả của việc vệ khí suy yếu bao gồm: (1) ngoại tà dễ xâm nhập gây bệnh, lâm sàng gặp người dễ mắc ngoại cảm khi thay đổi thời tiết; (2) da lông không được tươi, nhuận, sáng bóng; (3) vệ khí hư không đóng mở lỗ chân lông điều hòa gây rối loạn sự bài tiết mồ hôi như tự hãn, đạo hãn, vô hãn; (4) thân nhiệt của cơ thể không được duy trì ổn định.
Không giống như vòng tuần hoàn của dinh khí, vệ khí tuần hành trong cơ thể theo con đường riêng độc lập với dinh khí. Con đường vận hành của vệ khí phức tạp hơn, nhưng tóm lại có thể xem như ban ngày vệ khí vượng ở phần biểu gọi là “xuất dương”, ban đêm vệ khí vượng ở phần lý gọi là “nhập âm”. Do đó, vào ban đêm, khi ngủ cần phải giữ cơ thể tránh ngoại tà vì lúc này vệ khí đi phần âm nhiều, phần dương ít nên khả năng bảo vệ cơ thể của vệ khí giảm xuống.
Xuất dương nhập âm của vệ khí là phù hợp với điều kiện sinh lý của cơ thể. Ban ngày, khi tứ chi thân thể hoạt động nhiều thì vệ khí đi ra ngoài để tạo thành hoạt động, ban đêm vệ khí phải thu về âm, phải được tiềm giữ, lúc đó thần mới yên và con người mới có thể ngủ. Vệ là dương, dinh là âm, nên khi dương không nhập âm, thì không ngủ được, ý nói rằng vệ khí còn hoạt động bên ngoài thì thần không được yên mà không ngủ được.
Vệ khí là khí hung hãn có tác dụng đấu tranh tà khí bảo vệ cơ thể. Trong ôn bệnh, khi tà đã vào phần âm (dinh, huyết), do ban ngày vệ khí đi ở phần dương không gặp được tà khí nên không phát sốt, đến đêm khi dương nhập âm, vệ khí mới gặp đấu tranh với tà khí, chính tà giao tranh gây phát nhiệt, đến lúc sáng thì vệ khí lại xuất dương, nên sốt lui. Đây là cơ chế của chứng ôn bệnh thời kỳ dinh huyết, ban đêm sốt, đến sáng thì sốt lui.
Trong chứng âm hư, do ban ngày vệ khí đi ở phần dương, giữ gìn đóng mở bì khổng. Đến đêm, vệ khí nhập âm, nếu phần âm đầy đủ thì sẽ tiềm tang được vệ khí, khiến vệ khí yên tĩnh, nếu âm hư không đủ sức tiềm tang vệ khí, lúc đó vệ khí đi ra ngoài gây phát sốt, kèm theo vệ khí thoát ra ngoài kéo theo tân dịch ra ngoài thành mồ hôi. Gọi là “âm hư sinh đạo hãn”.
24. THẬN CHỦ THỦY
Một trong các chức năng của khí trong thủy là hình thành tân dịch. Bản chất của khí trong thủy là từ thủy dịch được Thận khí hóa Bàng quang mà thành, nên khi khí này ngưng tụ lại sẽ thành tân dịch.
25. THỦY THĂNG THƯỢNG TIÊU
Khí trong thủy do là khí, tính khinh thanh (nhẹ và trong) nên theo xu hướng sẽ thăng lên trên thượng tiêu. Ở thượng tiêu, tạng cao nhất chính là Phế. Phế như chiếc lộng che phủ toàn bộ thượng tiêu nên khí lên đến đây thì dừng (xem hình). Khí này nguồn gốc từ thủy, khi thăng lên Phế thì được Phế ngưng tụ lại thành thủy thanh.

Figure 4. Sơ đồ tạng phủ trong cơ thể
26. THÔNG ĐIỀU THỦY ĐẠO
Vì là tạng cao nhất của cơ thể, khi khí ngưng tụ thành thủy thanh, Phế chịu trách nhiệm phân tán lượng thủy thanh này đi khắp toàn bộ cơ thể để nhuận dưỡng toàn thân. Thủy này theo khí mà hành, đi theo con đường của Tam tiêu. Do đó nếu: (1) Phế khí không thể thông điều thủy đạo; hoặc (2) Tam tiêu tắc trở đều gây cản trở vận hành thủy dịch dẫn đế thủy thũng. Phế ở thượng tiêu, nên nếu Phế không phân được thủy dịch đi toàn thân thì người bệnh sẽ phù, mà trước tiên là ở mặt.
Thủy sau khi đi khắp cơ thể được các cơ quan tạng phủ sử dụng, sản phẩm tạo thành là thủy trọc sẽ được chuyển đến Bàng quang theo con đường Tam tiêu. Như vậy, chu trình tuần hòa của thủy dịch trong cơ thể được tóm tắt trong sơ đồ dưới đây.

Figure 5. Tuần hoàn thủy dịch trong cơ thể
(Nguồn: Trần Quốc Bảo (2011), Lý luận cơ bản y học cổ truyền, NXB Y Học)
27. TÂN DỊCH
Tân dịch gồm nhiều loại dịch trong cơ thể, cả bên trong lẫn tiết ra bên ngoài như tân dịch của tạng phủ, nước mắt, nước bọt, dịch khớp,…Tân dịch làm nhiệm vụ nuôi dưỡng và tư nhuận các cơ quan tạng phủ. Sự vận hành của tân dịch phụ thuộc vào sự vận hành của khí. Tân dịch đi chung với huyết, và là một thành phần của huyết, vận chuyển trong lòng mạch. Ngoài ra tân dịch có thể đi theo con đường của Tam tiêu thấm suốt toàn thân. Tân dịch theo khí mà di chuyển, nên cũng theo khí mà thoát.
Thận chủ thủy giúp duy trì và điều tiết trao đổi thủy dịch trong cơ thể. Trong quá trình hấp thu và chuyển hóa tân dịch tại các tạng phủ như Tỳ vận hóa thủy thấp, Tiểu trường phân biệt thanh trọc, Đại trường tế bí biệt trấp, Phế thông điều thủy đạo, cho đến trao đổi bài tiết ở từng cơ quan tạng phủ đều chịu sự chi phối từ tạng Thận. Trong đó, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Thận khí hóa Bàng quang và Thận chủ thủy. Thận khí hóa Bàng quang làm sản sinh và trao đổi tân dịch nhanh lên, ngược lại Thận chủ thủy làm sản sinh và phân bố tân dịch chậm lại. Khi hai chức năng này cân bằng, thì tân dịch trong cơ thể được giữ cân bằng.
28. DỊCH
Tân dịch là thủy dịch, nhưng được phân thành hai loại dựa vào bản chất: (1) dịch là chất đặc hơn, di chuyển chậm hơn, chủ yếu ở khớp xương, tạng phủ; (2) tân là chất loãng hơn, chảy nhanh hơn, chủ yếu phân bố ở bì phu, cơ nhục, các khiếu, thấm qua huyết mạch.
29. TƯ NHUẬN
Tân dịch có tác dụng tư nhuận và nhu dưỡng. Trong đó tân chủ yếu tư nhuận, dịch chủ yếu nhu dưỡng. Tại khớp làm cho khớp co duỗi dễ dàng, tại cốt tủy thì làm cho cốt tủy sung mãn.
Tân dịch được đào thải ra ngoài sẽ mang theo một phần nhiệt và một số sản phẩm chuyển hóa không cần thiết của cơ thể. Các hình thức đào thải tân dịch như qua đường đại tiện, tiểu tiện, mồ hôi. Do đó, một khi các con đường này gặp rối loạn, các chất độc sẽ tích tụ lại trong cơ thể mà gây bệnh.
30. TÂN
Tân và dịch tuy là hai loại, nhưng trong quá trình vận hành có thể chuyển hóa bổ sung cho nhau, trong bệnh lý cũng ảnh hưởng qua lại với nhau, nên thường biện luận tân dịch chung với nhau.
Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh lý “thương tân”, “thoát dịch”, khi biện chứng cần phải phân biệt.
Ngoài ra, còn phân biệt ở quá trình hình thành, trong đó Tiểu trường chủ dịch, ý nói là chất thủy dịch do Tiểu trường gạn lọc để đưa qua Bàng quang chủ yếu là tạo thành dịch, có công năng nuôi dưỡng; còn Đại trường chủ tân.
31. TINH SINH DỤC
Tinh dịch của người nam được hình thành từ tinh sinh dục do Thận tổng hợp và phần tân trong tân dịch. Do đó, khi mất cân bằng giữa tinh sinh dục và tân sẽ gây ra các rối loạn trong tinh dịch như: tinh loãng, thiểu tinh. Mặc dù tinh sinh dục là yếu tố quyết định chính đế chất lượng của tinh dịch, tuy nhiên khi phần tân suy kém thì khả năng thụ thai cũng giảm đi. Nên trong trường hợp Nhiệt thương tinh thất, nhiệt làm tổn phần tinh sinh dục lẫn phần tân, điều trị ngoài thanh nhiệt, sinh tinh cần phải thêm dưỡng âm sinh tân.
32. TINH
Tinh hậu thiên theo huyết đến Thận, được Thận dùng tinh tiên thiên làm động lực chuyển hóa thành dạng tinh đặc trưng của Thận và được dự trữ tại tạng Thận. Tinh này là nguồn vật chất tinh vi của cơ thể, dạng vật chất tích trữ, và được dùng cho nhiều hoạt động sống của cơ thể: (1) tinh vừa là vật chất vừa là động lực thúc đẩy cơ thể phát triển; (2) tinh tạo ra sự phát dục của cơ thể gọi là thiên quý; (3) tinh đảm bảo khả năng sinh sản của cá thể; (4) tinh sinh tủy hóa huyết; (5) tinh sinh tủy dưỡng cốt; (6) tinh sinh tủy hình thành và nuôi dưỡng não.
-
Tinh vừa là vật chất vừa là động lực thúc đẩy cơ thể phát triển. Như đã bàn ở trên, tinh của mội cơ quan tạng phủ được các chúng tổng hợp từ huyết và dự trữ để sử dụng cho chính chúng. Tinh này có thể hóa thành huyết, có thể hóa thành khí. Tinh có nguồn gốc từ huyết, nên có khả năng nuôi dưỡng, cơ muốn phát triển to ra, lớn lên thì phải có tinh, xương muốn dài ra, chắc hơn thì cũng cần tinh, tương tự với tất cả cơ quan trong cơ thể. Tinh có thể hóa khí, ví tinh như củi, khí như lửa, củi cháy thì thành lửa. Do đó, có thể xem tinh là nguồn năng lượng dự trữ cho mỗi cơ quan tạng phủ. Tinh hóa khí sẽ làm cho cơ quan tạng phủ có năng lượng để thực hiện nhiệm vụ của chúng, như Tỳ có khí thì mới vận hóa được thủy cốc, Thận có khí thì mới khí hóa được Bàng quang. Khi cơ quan tạng phủ có khí thì sẽ thực hiện được việc khí hóa của chúng, kết quả là chúng mới tổng hợp ra tinh, huyết của chính chúng và làm cho chúng phát triển lớn lên, vì vậy mới nói rằng tinh là động lực thúc đẩy cơ thể phát triển. Nên câu tinh khí cùng một chất, tinh huyết đồng nguyên là như vậy. Khi cơ thể thiếu tinh, thì gầy ốm, hoặc nếu đang béo thì sẽ sụt cân.
-
Tinh tạo ra sự phát dục của cơ thể. Tinh tiên thiên được hình thành từ khi tinh cha kết hợp với tinh mẹ, sau khi hình thành tinh tiên thiên luôn được bổ sung bằng tinh hậu thiên. Theo thời gian, tinh của cơ thể phát triển lớn mạnh dần, đến thời điểm nhất định, khi tinh phát triển đủ mạnh thì sẽ tạo ra sự phát dục của cơ thể, tức là cơ thể có khả năng sinh sản như: cơ quan sinh dục phát triển, nữ thì có kinh nguyệt, nam thì có tinh dịch. Và cũng theo thời gian, tinh sẽ giảm dần, đến lúc tinh suy kiệt thì khả năng sinh sản cũng mất đi. Như vậy có thể xem Thiên quý là chỉ dạng tinh được tạo ra khi Thận tinh phát triển ở mức độ nhất định và thiên quý có chức năng duy trì khả năng sinh sản. Cần làm rõ, thiên ở đây trong chữ thiên can (tức là mười thiên can gồm có giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý), quý ở đây chính là chữ quý trong mười thiên can, quý thuộc hành thủy, là âm thủy (nhâm là dương thủy), như vậy thiên quý là chỉ tạng âm thủy trong cơ thể, chính là tạng thận.
-
Tinh tạo thành tinh sinh dục. Tinh sinh dục ở nam hình thành nên tinh dịch, ở nữ hình thành nên kinh nguyệt. Nam tinh dịch sung mãn, ở nữ kinh nguyệt còn thì mới có khả năng sinh sản.
-
Tinh sinh tủy, tủy tham gia quá trình hóa sinh huyết dịch. Do đó mà các thuốc bổ thận tinh có thể bổ huyết, điển hình như Thục địa.
-
Tinh sinh tủy, tủy chịu trách nhiệm nuôi dưỡng làm cho xương phát triển dài ra, lớn lên, và đảm bảo độ bền chắc của xương. Do đó ở người tinh suy giảm do bệnh lý hoặc do lão hóa thì xương kém nuôi dưỡng dẫn đến mềm yếu dễ gãy. Trên lâm sàng, thường ứng dụng các thuốc bổ thận sinh tinh để điều trị các bệnh về xương như gãy xương, loãng xương.
-
Tinh sinh tủy, não là bể của tủy, não có sung mãn hay không là do tủy có đầy đủ mà nên. Não là phủ của nguyên thần, ý nói thần trú ngụ tại não, khi não không được nuôi dưỡng thì thần cũng suy yếu. Đầu là nơi chứa não, não thông với tai mắt, nên khi tinh bất túc thì đầu cảm giác nhẹ lâng lâng, tai không nghe rõ, mắt không nhìn rõ. Não là cơ quan trọng yếu do là nơi chứa thần, nên các trường hợp chấn thương vùng đầu gây nguy hiểm tính mạng, hoặc giả có thể gây yếu liệt do tổn thương thần, làm thần không chỉ huy được hoạt động của tứ chi mà gây yếu liệt. Cũng cần nhắc rằng, Tâm tang thần, não là phủ của nguyên thần, ý nghĩa ở đây là Tâm là tạng cai quản thần minh của cơ thể, là tạng chịu trách nhiệm nuôi dưỡng và làm cho thần hoạt động, còn não chỉ là nơi thần trú ngụ. Có thể hình dung Tâm như là người điều khiển phần mềm, não là CPU, thần là phần mềm. Không có người điều khiển thì phần mềm không tự làm việc được, CPU mà bị hư thì cũng không làm việc được, khi CPU hư thì phần mềm trong nó cũng hư theo.

Figure 6. Minh họa quá trình chuyển từ tinh thành khí
33. THỦY HỎA KÝ TẾ
Khí trong thủy do Thận khí hóa Bàng quang hình thành, khi theo con đường Tam tiêu thượng thăng lên Tâm Phế, thì có tác dụng thanh tâm hỏa, vì bản chất của khi này từ thủy, nên mang một phần tính hàn của thủy. Tâm là quân hỏa, như lửa của mặt trời, một mình ngự ở thượng tiêu, Thận chủ thủy, lại ở hạ tiêu, cho nên để điều hòa và duy trì ổn định nhiệt độ cơ thể toàn thân thì cần có sự giao thông giữa Tâm và Thận. Trong đó, Thận thủy sẽ thông qua chức năng Thận khí hóa Bàng quang là thanh tâm hỏa, Tâm hỏa sẽ theo đường kinh lạc đến để ôn Thận dương. Con đường kinh lạc từ Tâm đến Thận nhờ sự thông nối từ Tâm với Tiểu trường, Tiểu trường đến Bàng quang, Bàng quang qua Thận.
Theo Hải Thượng Lãn Ông, Thận tượng trưng là quẻ Khảm, hành thủy; Tâm tượng trưng là quẻ Ly, hành hỏa; hỏa ở dưới, thủy ở trên, như bếp lò, có thể nấu chín cơm nước; ngược lại hỏa ở trên, thủy ở dưới thì thủy đi đường thủy, hỏa đi đường hỏa không giao thông được với nhau gọi là hỏa thủy vị tế, tức không tương trợ được cho nhau. Điều này cũng phù hợp với quy luật âm ở dưới thì thăng, dương ở trên thì giáng mà tạo ra sự giao hòa âm dương, phát sinh sự sống.

Figure 7. Quẻ Thủy hỏa ký tế
Hình dung quan hệ ký tế giữa Tâm và Thận bằng mô hình tuần hoàn của nước trong tự nhiên: Tâm như mặt trời, ở trên, tỏa sức nóng rất mãnh liệt; sức nóng này được Thận ở dưới như là đất sẽ hấp thu sức nóng từ mặt trời; đất nóng lên sẽ làm nước bốc hơi và bay lên trời tạo thành mây; Phế là tạng cao nhất, vai trò như bầu trời; mây tích tụ đủ sẽ thành mưa rơi xuống mặt đất như Phế thông điều thủy đạo; mây và mưa làm giảm sức nóng của mặt trời làm cho vạn vật sinh nôi phát triển thuận lợi.
Khi Tâm và Thận không thể giao thông phát sinh chứng Tâm thận bất giao. Tuy nhiên chứng này có nhiều nguyên nhân và cơ chế chứ không chỉ là một. Các nguyên nhân bao gồm: (1) Thân âm hư trước, do Thận chủ thủy toàn thân, Thận âm hư, thủy dịch suy kiệt, Tâm âm không được Thận thủy tư nhuận nên Tâm âm hư, Tâm âm hư không tiềm được Tâm dương dẫn đến Tâm hỏa vượng thịnh, điều trị cần bổ Thận âm, bổ Tâm âm, và thanh Tâm hỏa, dùng các bài thuốc như Thiên vương bổ tâm đơn, Hoàng liên a giao thang, tuy nhiên cần chú ý bổ Thận âm; (2) Tâm âm hư trước, dẫn đến Tâm hỏa vượng thịnh, hỏa thiêu đốt thủy dịch làm Thận âm suy kiệt, chứng này điều trị như trên, nhưng chú trọng thanh Tâm hỏa, bổ Tâm âm; (3) Thận dương hư, không thể khí hóa Bàng quang, nên khí trong thủy không được hình thành để lên thượng tiêu thanh Tâm hỏa, lúc này Tâm hỏa vượng thịnh, Tâm âm có thể hư hoặc không, điều trị cần bổ Thận dương là chủ yếu, thứ là thanh Tâm hỏa, sử dụng bài Giao thái hoàn (gồm Nhục quế bổ Thận dương, Hoàng liên thanh Tâm hỏa).

Figure 8. Tuần hoàn nước trong tự nhiên
Con đường dẫn hỏa từ Tâm xuống Thận đi qua Tiểu trường và Bàng quang, trên lâm sàng dùng lý giải triệu chứng khi Tâm có nhiệt thì Tiểu trường có nhiệt, gây nên triệu chứng tiểu đỏ, do Tiểu trường đưa hỏa nhiệt qua Bàng quang. Kinh Bàng quang và Tiểu trường nối với nhau, nên khí trong thủy từ kinh Thái dương Bàng quang truyền qua kinh Thái dương Tiểu trường, tạo thành mạng lưới Thái dương kinh chủ biểu, kháng lại ngoại tà xâm nhập.
34. THẬN DƯƠNG ÔN TỲ
Thận chủ hỏa, Thận lại ở hạ tiêu, nên Thận có tác dụng ôn ấm hạ tiêu. Khi Thận hỏa suy thì thắt lưng và gối lạnh đau. Thận hỏa còn tác dụng khí hóa Bàng quang và ôn Tỳ dương. Tỳ dương vận hóa thủy cốc ăn vào, để cung cấp hỏa cho Tỳ dương thực hiện chức năng này, Thận dương cần liên tục bổ sung hỏa cho Tỳ dương. Do đó, nếu Thận dương suy kém thì Tỳ dương suy kém không thể vận hóa thủy cốc, gây triệu chứng điển hình là ngũ canh tả, tức đi tiêu chảy vào canh năm (giờ Dần, khoảng 3 giờ sáng đến 5 giờ sáng). Giờ Dần là giờ thịnh của Phế, Phế chủ tuyên phát túc giáng, lại chủ thông điều thủy đạo, Thận dương hư, thủy đình đọng, nay gặp Phế giáng thủy xuống, thủy tràn gây triệu chứng tiêu chảy. Tới giờ Mão, Đại trường khí vượng, tế bí biệt trấp làm giảm bớt thủy dịch tràn lan mà triệu chứng đi tả giảm. Cũng vì Thận dương không ôn Tỳ dương nên thủy thấp tràn lan gây ngũ canh tả, nếu muốn trừ chứng này không chỉ ôn Thận dương mà còn phải ôn Tỳ dương, tức là lấy thổ chế thủy, theo Định Ninh Lê Đức Thiếp trong Đông y số điển thì nên kết hợp Nhị trần thang với Tứ thần hoàn.
Thận là thủy tạng, chủ thủy, lại chủ hỏa nên hỏa của Thận được gọi là Long hỏa. Long hỏa tính nhiệt ở hạ tiêu, ở chung với thủy tính hàn cũng ở hạ tiêu. Bình thường có sự cân bằng giữa Thận âm Thận dương, nên có sự cân bằng giữa hàn và nhiệt, giúp hạ tiêu ổn định nhiệt độ. Nếu Thận dương suy yếu, sẽ bị Thận âm mang tính hàn lấn át, do đó Thận dương (Long hỏa) do tránh khí hàn thủy sẽ thượng thăng lên thượng tiêu, nơi có Tâm hỏa cư ngụ, sẽ giúp ôn Long hỏa. Khi đó, thượng tiêu vừa có Quân hỏa vừa có Long hỏa, nên thượng tiêu phát nhiệt gây triệu chứng như khát nước, lở miệng, huyễn vựng, mắt đỏ, mặt đỏ…trong khi hạ tiêu chỉ còn hàn thủy chủ quản nên gây triệu chứng hàn chứng như hai chân lạnh, phù thũng, nước tiểu trong lượng nhiều. Chứng này gọi là Chân dương nhiễu loạn, cần phân biệt với chứng thượng nhiệt hạ hàn do Tâm thận bất giao.
35. CAN TÀNG HUYẾT
Can tang huyết có nghĩa là Can lưu trữ và điều tiết lượng huyết trong toàn bộ cơ thể. Can chủ trì việc phân phối huyết đến nơi nào cần nhiều, nơi nào cần ít theo nhu cầu và theo thời gian. Ví dụ, ban ngày, mắt cần quan sát, tay chân cần hoạt động thì Can điều tiết huyết đến mắt đến tay chân để thực hiện chức năng này. Ban đêm, mắt không cần quan sát, tay chân không cần hoạt động, nên Cam thu huyết về để phân phối cho các cơ quan tạng phủ khác. Nếu ban đêm mà Can không điều tiết huyết đến mắt giảm lại thì mắt vẫn nhìn mà không ngủ được, tay chân vẫn hoạt động mà không ngủ được, huyết không tang thì thần không tang, nên không đi vào giấc ngủ.
Can tàng huyết còn để cân bằng giữa Can âm và Can dương, khi Can huyết kém thì Can âm không thể tiềm Can dương gây chứng Can dương vượng.
Can tàng huyết, huyết này nuôi dưỡng mạch Xung, Nhâm từ đó đến nuôi dưỡng Bào cung, tạo thành kinh nguyệt lúc bình thường ở nữ, hoặc nuôi dưỡng bào thai trong lúc mang thai. Nếu Can huyết kém thì Xung Nhâm thất dưỡng dẫn đến kinh nguyệt rối loạn, hoặc khó thụ thai ở nữ.
Can tang huyết phối hợp với Can chủ sơ tiết còn để ngăn ngừa xuất huyết. Khi Can khí không thể sơ tiết, làm khí nghịch, huyết theo khí nghịch mà xuất ra ngoài, như trong chứng Can khí thượng nghịch gây ho ra máu. Vì mối liên hệ huyết theo khí nghịch, mà Đường Tông Hải trong Huyết chứng luận đề xuất trị huyết chứng cần Chỉ huyết sau đó Ninh huyết kế đến Khử ứ sau đó mới Bổ huyết. Người bệnh đang xuất huyết, trước tiên phải làm ngừng xuất huyết (chỉ huyết), sau khi chỉ huyết để cho không xuất huyết trở lại thì phải làm cho huyết được yên (ninh huyết), huyết được yên rồi thì khử ứ, do huyết đã xuất ra ngoài là huyết chết sẽ tạo thành huyết ứ, phải khử huyết ứ đi để kinh lạc thông thoáng thì tân huyết mới có thể sinh ra, nên bổ huyết phải để sau cùng.
Can muốn tang được huyết thì ngoài việc Can khí sung mãn thì phải có đủ huyết cho Can tàng. Do đó, nếu Can thiếu huyết thì chức năng Can tàng huyết cũng không thể thực hiện được. Do đó, Can âm hư hoặc Can huyết hư thì khó vào giấc ngủ do Can thiếu huyết thì không thể tàng huyết.
36. TINH TRẤP
Can nhận huyết dịch và từ đây tổng hợp thành Can tinh. Tinh này được Can gạn lọc thành dạng tinh trấp. Tinh trấp này dồn xuống phủ Đởm. Khi đến Đởm thì gọi là Đởm trấp. Đởm trấp được tàng trữ tại phủ Đởm để phục vụ cho công năng của nó.
Đởm vừa là phủ vừa là phủ kỳ hằng. Phủ có chức năng truyền tống, nhưng Đởm phủ lại tàng trữ đởm trấp nên gọi là phủ kỳ hằng. Chức năng tàng trữ này gọi là “trung tinh chi phủ”, tinh ở đây chỉ tinh trấp. Đởm còn có chức năng “trung chính chi quan”, tức Đởm có chức năng giữ cho các tạng phủ khác làm việc một cách ngay thẳng, đúng đắn. “Quyết đoán xuất yên” tức Đởm giúp cho Thần đưa ra quyết định một cách sáng suốt, dứt khoát, mạnh dạn. Do đó, khi Đởm khí hư thì khả năng quyết đoán giảm, Thần không được Đởm hỗ trợ, nên hay khiếp sợ. Gặp trong chứng Tâm đởm khí hư.
Đởm trấp có màu vàng, vị đắng, nên khi Đởm mất khả năng tàng trữ đởm trấp thì đởm trấp tràn ra ngoài gây hoàng đản, miệng đắng. Các nguyên nhân gây Đởm không tàng được đởm trấp bao gồm: (1) Can không sơ tiết cho Đởm; (2) thấp, nhiệt, có thể là ngoại tà hay nội tà đều có thể quấy rối Đởm; (3) Đởm khí hư không thể tàng trữ đởm trấp.
37. SƠ TIẾT VỊ TRƯỜNG
Can chủ sơ tiết, Đởm tàng trữ tinh trấp của Can chính là thừa hưởng tính sơ tiết của Can. Đởm có chức năng sơ tiết cho hoạt động nghiền nát và giáng thức ăn của Vị, vận hóa của Tỳ, phân biệt thanh trọc của Tiểu trường, tế bí biệt trấp của Đại trường. Do đó, khi Đởm mất khả năng sơ tiết thì các chức năng trên bị rối loạn như Vị không thể giáng gây nôn ói, Tỳ không vận hóa gây đầy bụng khó tiêu tiêu chảy, Tiểu trường không phân biệt thanh trọc gây tiêu chảy, hoặc Đại trường không tế bí biệt trấp mà gây tiêu chảy.
38. CAN CHỦ CÂN
Can huyết nuôi dưỡng cân, làm cho cân mềm mại, co duỗi dễ dàng, nếu Can huyết kém thì can thiếu nuôi dưỡng dẫn đến cân teo, co rút, khớp xương cứng co duỗi khó khăn. Cân nối liền trăn cốt, là cơ sở cho sự vận động. Can khí giúp cho cân vận động, nếu Can khí hư thì gây yếu liệt, Can khí vượng thì gây co giật, run lắc, còn gọi phong động.
Thường gặp câu “trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tự diệt”. Câu này chỉ trường hợp Phong tà gây hao khí, làm vận hành khí huyết bị ứ trệ, tuy nhiên phong tà đã bị tán ra ngoài, chỉ còn lại hậu quả là khí huyết ứ trệ, nên lúc đó không cần khu phong, chỉ cần hành khí hoạt huyết. Còn nếu ngoại phong vẫn còn thì tất phải khu phong. Câu này cũng không thể áp dụng trong trường hợp Can phong nội động, tức Can âm hư dẫn đến Can dương vượng phát sinh phong động, điều trị cần phải bình can, tiềm dương, tức phong, thanh nhiệt, dưỡng can âm. Nếu lạm dụng dùng các thuốc hoạt huyết có tính nóng táo sẽ càng làm hao huyết, tổn âm, Can âm hư, Can phong nội động càng nặng thêm. Ngoài ra, trường hợp sốt cao trong ôn bệnh, làm phần Can âm huyết hư suy, không dưỡng được cân, gây triệu chứng co rút, co giật, lúc đó điều trị cũng cần chú ý phần huyết nhưng là bổ Can huyết và thanh nhiệt.
39. CAN CHỦ SƠ TIẾT
Sơ tiết có nghĩa là làm cho thư thái, điều đạt, khoan thai. Can chủ sơ tiết là Can khí làm cho các tạng phủ trong cơ thể hoạt động một cách thư thái, trơn tru. Can không chỉ sơ tiết cho hệ thống vị trường mà còn sơ tiết cho tất cả các hoạt động của cơ thể từ chức năng tàng thần của Tâm, đến chức năng truyền tống của Đại trường.
Nếu Can mất sơ tiết thì Tâm tàng thần rối loạn dẫn đến đễ tức giận cáu gắt, Phế không tuyên phát được khí gây Phế khí nghịch thành ho, Tỳ không vận hóa được thủy cốc nên đầy bụng, khó tiêu, Vị không giáng được gây nôn ói, Bàng quang không truyền tống được nước tiểu thuận lợi gây lâm chứng, Đại trường không truyền tống được phân thư sướng nên gây chứng tiết tả, táo bón. Can còn sơ tiết cho hoạt động tình dục, Can chủ cân, nên khi Can khí có vấn đề thì cương dương và xuất tinh đều bị rối loạn.
Can không thể sơ tiết sinh chứng khí uất, khí uất thì huyết ứ.
Can tàng hồn, hồn là đáp ứng cảm xúc của con người với tác động của môi trường và xã hội bên ngoài. Do đó, Can khí không sơ tiết cho hồn, thì gây dễ tức giận, nếu Can khí hư thì hồn suy dẫn đến giảm đáp ứng cảm xúc với bên ngoài, gây ra thờ ơ, trầm cảm.
Can huyết dưỡng hồn, huyết hư thì hồn không yên sinh ra giấc ngủ nhiều mộng mị.
40. TỲ NHIẾP HUYẾT
Huyết hành trong mạch do Tâm khí thúc đẩy, Phế khí vận hành, Tỳ khí giữ chạy đúng hướng, Can khí giữ cho yên tĩnh. Nếu Tỳ khí suy kém không thể làm cho huyết chạy đúng hướng thì huyết chạy ra ngoài mạch gây nên xuất huyết. Tất cả các hiện tượng xuất huyết như: khái huyết, thổ huyết, tiện huyết, nục huyết, sang huyết, cường kinh, băng huyết,…đều phải xem xét chức năng của Tỳ thống nhiếp huyết có bình thường hay không.
Các nguyên nhân gây xuất huyết bao gồm: (1) khí hư (Can, Tỳ) làm huyết không được giữ yên trong long mạch; (2) huyết ứ làm cản trở lưu thông của huyết trong mạch, dẫn đến huyết xuất ra ngoài; (3) nhiệt bức huyết vọng hành; (4) Tâm âm không nuôi dưỡng được mạch, làm mạch dễ vỡ gây xuất huyết; (5) chấn thương, sang thương, vất thương hở gây tổn thương mạch gây xuất huyết; (6) nhiệt làm tổn thương huyết lạc gây xuất huyết; (7) huyết theo khí nghịch.
41. PHẾ CHỦ KHÍ
Tỳ vận hóa thủy cốc thành tinh vi, Phế túc giáng thiên khí thành thanh khí, Thận khí hóa Bàng quang thành khí trong thủy, tất cả được chuyển đến Phế để tổng hợp thành Tông khí, cho nên gọi Phế chủ tất cả các loại khí trong cơ thể.
Khí này được Phế tuyên tán khi khắp toàn thân, như trên đã bàn, khí này khi đến cơ quan tạng phủ nào thì sẽ được cơ quan tạng phủ đó thu nhận và tổng hợp thành khí riêng của chúng. Ví như, khí đến kinh lạc thành kinh lạc khí, khí đến Tỳ thành Tỳ khí.
Ngoài ra, Phế chức năng chủ âm (thanh), Phế khí trong ngực, được truyền tống qua thanh quản tạo thành âm thanh, giọng nói. Điều kiện để âm thanh giọng nói bình thường: (1) Tâm tàng thần, thần minh phải sáng suốt; (2) Phế khí phải sung mãn; (3) thanh quản phải thông suốt và toàn vẹn. Khi Phế khí suy thì tiếng nói nhỏ yếu, vô lực; khi thanh quản không thông suốt thì giọng nói khàn, thay đổi, biến dạng; khi thần không sáng suốt, không thể điều khiển sự vận hành của Phế khí và vận động của vùng thanh quản và lưỡi thì tiếng nói không thể phát ra, hoặc bị biến dạng. Ví như trong chứng trúng phong, não lạc bị tổn thương, thần theo đó mà bị tổn thương, nên bệnh nhân xuất hiện chứng khó nói, do đó trong điều trị dùng thuốc phải khai khiếu tỉnh thần, châm cứu nên kết hợp thêm huyệt trên kinh Tâm và Tâm bào.
42. CHÍNH TÀ TƯƠNG TRANH
Chính khí (đối với tà khí) là cách gọi tổng thể về hoạt động công năng bình thường của cơ thể, tức là khả năng tự bản thân điều tiết, khả năng thích ứng với hoàn cảnh, khả năng phòng bệnh chống lại tà khí và khả năng tự khỏi bệnh. Phương thức tác dụng của chính khí gồm:
1. Tự mình điều tiết để thích ứng với sự thay đổi của nội và ngoại cảnh để duy trì cân bằng âm – dương, giữ gìn cơ thể khỏe mạnh.
2. Kháng lại tà khí để phòng bệnh hoặc khi cơ thể mắc bệnh thì khu tà và đưa ra ngoài.
3. Khả năng cơ thể tự phục hồi sau khi bệnh hoặc khi cơ thể bị hư nhược thì tự mình thay đổi và hồi phục sức khỏe.
Tà khí còn gọi là bệnh tà (đối với chính khí) là chỉ các loại nguyên nhân gây bệnh, bao gồm các nhân tố tồn tại ở môi trường bên ngoài và các yếu tố mà cơ thể sản sinh có tác dụng gây bệnh hoặc tổn thương chính khí, ví dụ như lục dâm, thất tình, ngoại thương, đàm ẩm, huyết ứ, v.v.
Phát sinh bất cứ một bệnh nào đều không ngoài rối loạn trạng thái cơ năng của cơ thể, khả năng kháng bệnh suy giảm (chính khí suy); tác động của các nguyên nhân gây bệnh (tà khí thịnh). Khi chính khí cơ thể không đủ sức kháng lại tà khí, hoặc thế lực tà khí vượt quá khả năng phòng ngự của chính khí thì cơ thể mới phát sinh bệnh tật, gây các rối loạn của tạng phủ, âm dương, khí huyết, tân dịch của cơ thể.
Trong trường hợp của ngoại tà xâm nhập cơ thể qua đường bì mao. Đầu tiên ngoại tà phải đấu tranh với vệ khí, sau khi thắng vệ khí, vượt qua lớp bì phu và tấu tý thì mới gây bệnh. Chính khí của cơ thể được huy động ra biểu để đấu tranh chống chọi lại sự tiến sâu của ngoại tà, vì dồn ra ngoài nên bắt thấy mạch Phù. Quá trình đấu tranh sẽ phát sinh ra nhiệt, nên biểu hiện phát sốt, sốt đây chỉ ở ngoài da thịt, khác với sốt của âm hư nội nhiệt từ trong lý phát ra. Tùy vào sự tương quan lực lượng giữa chính khí và tà khí mà xảy ra nhiều tình huống khác nhau, như: (1) chính thắng tà thoái; (2) tà trục chính suy; (3) tà thịnh chính hư; (4) tà chính cầm cự; (5) chính hư tà lưu.

Figure 9. Quá trình xâm nhập của tà khí theo đường bì mao
(Nguồn: ThS.BS. Trần Hoàng, Giảng viên BM Nội khoa Đông Y, Khoa YHCT, ĐHYD TP.HCM)
---
Tương quan huyết YHCT và YHHĐ
Huyết ứ
Jiangquan Liao và cs (2016)[2] điều tra biểu hiện của mRNA và miRNA trên bệnh nhân nhồi máu não cấp và đau thắt ngực không ổn định có bệnh cảnh huyết ứ và so sánh với người khỏe mạnh. Nghiên cứu tìm ra 2 miRNA (miR-146b-5p, miR-199a-5p) và 23 mRNA đích đặc trưng cho bệnh cảnh huyết ứ trên bệnh nhân nhồi máu não cấp và đau thắt ngực không ổn định so sới người khỏe mạnh. miR-146a-5p có nhiệm vụ điều hòa điều hòa âm tính trên hệ miễn dịch và đáp ứng viêm qua trung gian thụ thể Toll-like 4 (TLR4) và tính đa hình (miRSNPs). miR-146b-5p có thể làm giảm biểu hiện của TNFα qua con đường IRAK/NF-kB. Ngoài ra, miR-146b-5p có liên quan đến sự điều hòa các gen apoptosis và anti-apoptosis. miR-199a-5p liên quan đến bệnh cơ tim phì đại.

Figure 10. Biểu hiện miR-146b-5p và miR-199a-5p trên bệnh nhân huyết ứ so với người khỏe mạnh
Linlin Zhao và cs (2014)[6] điều tra sự khác biệt và các chất chuyển hóa trong huyết thanh của bệnh nhân có bệnh mạch vành mạn so sánh bệnh cảnh đàm thấp (n=20) và bệnh cảnh huyết ứ (n=20), sử dụng nhóm đối chứng là người khỏe mạnh (n=16). Kết quả phân tích huyết thanh bằng sắc ký lỏng kết nối khối phổ bằng phương pháp đo thời gian bay (liquid chromatography/quadrupole time-of-flight mass spectrometry, LC-Q-TOF/MS), nhóm nghiên cứu tìm ra 18 marker chuyển hóa khác nhau để giúp phân biệt hai bệnh cảnh đàm thấp và huyết ứ trên bệnh nhân bệnh mạch vành mạn. Các marker này liên quan chủ yếu đến chuyển hóa purine, pyrimidine, amino acid. Nồng độ các amino acid (trừ phenylalanine) thấp hơn ở bệnh cảnh đàm thấp so với bệnh cảnh huyết ứ. Điều này cho thấy rằng có sự khác biệt về rối loạn chuyển hóa amino acid khác nhau ở hai bệnh cảnh trên. Ngoài ra ở bệnh cảnh huyết ứ còn tăng tỷ lệ phenylalanine/tyrosine (Phe/Tyr) cao hơn bệnh cảnh đàm thấp, cho thấy sự hoạt hóa hệ miễn dịch ở bệnh cảnh huyết ứ cao hơn đàm thấp. Uridine, uric acid, và dUMP tăng cao hơn ở bệnh cảnh huyết ứ so với đàm thấp, trong khi uridine và uric acid là các chất chuyển hóa chính của nucleotide trong thiếu máu cơ tim, và nồng độ uric acid trong huyết thanh liên quan mật thiết với nguy cơ tử vong do bệnh tim do xơ vữa và bệnh mạch vành. Uric acid còn liên quan đến các tổn thương do stress oxi hóa, dUMP cũng liên quan đến stress oxi hóa và uridine liên quan đến chuyển hóa năng lượng. Tóm lại, các khác biệt về quá trình viêm, tổn thương oxi hóa, và chuyển hóa năng lượng phản ánh sự khác nhau giữa hai bệnh cảnh đàm thấp và huyết ứ trên bệnh nhân bệnh mạch vành mạn, và có thể đây chính là sự khác nhau về giai đoạn trên bệnh nhân bệnh mạch vành mạn.

Figure 11. Phân bố các con đường chuyến hóa
Ghi chú: Màu xanh lá là các marker giảm, màu đỏ là marker tăng (so sánh giữa người bệnh mạch vành/người khỏe mạnh); màu vàng là tăng cao, màu xanh dương là giảm thấp (so sánh giữa bệnh cảnh đàm thấp/huyết ứ).
Công trình nghiên cứu dựa trên Dược lý học mạng lưới của nhóm tác giả Shi-JunYue và cs (2017)[5] điều tra tác dụng hoạt huyết của cặp vị thuốc Đào nhân – Hồng hoa cho thấy cặp đôi này có tác động lên các đích liên quan chủ yếu đến 20 con đường tín hiệu, trong đó có con đường tín hiệu cAMP, con đường tín hiệu calcium, con đường NF-kB và con đường sphingolipid. Con đường NF-kB liên quan chính đến tổn thương thiếu máu não và tổn thương viêm. Con đường sphingolipid liên quan đến tình trạng thiếu máu và sinh bệnh của đột quỵ. Các con đường tín hiệu HIF-1, estrogen và neurotrophin có liên quan mật thiết với hệ thống thần kinh trung ương và đáp ứng viêm. Con đường TNF đóng vai trò quan trọng trong đột quỵ và tổn thương mạch máu. Con đường HIF-1 liên quan đến cơ chế bảo vệ thần kinh và kháng apoptosis của tế bào cơ tâm thất. Ngoài ra các con đường chuyển hóa khác như phenylalanine, arachidonic acid, arginine và proline cũng chịu tác động của cặp Đào nhân – Hồng hoa này.

Figure 12. Các con đường tín hiệu chịu tác động của Đào nhân – Hồng hoa
Ghi chú: Màu xanh là các đích tác động, màu tím là các con đường tín hiệu chịu tác động.
Guang Chen và cs (2019)[1] khảo sát sự khác biệt về biểu hiện của các mRNA và các RNA không mã hóa khác trong huyết tương của các bệnh nhân mắc các bệnh YHHĐ khác nhau nhưng cùng được chẩn đoán bệnh cảnh khí huyết ứ trệ theo YHCT so với nhóm người khẻo mạnh. Phân tích kết quả thấy rằng so với nhóm người khỏe mạnh, nhóm bệnh nhân khí trệ huyết ứ thể hiện sự khác biệt về biểu hiện các RNA liên quan đến con đường tín hiệu sphingolipid, neurotrophin, AMOK và endocytosis. Kết quả này gợi ý rằng bệnh cảnh khí trệ huyết ứ không chỉ liên quan đến mất cân bằng trong chức năng thần kinh mà còn liên quan đến rối loạn trong chuyển hóa năng lượng. Sphingomyelin và các sản phẩm chuyển hóa của chúng có chức năng là chất dẫn truyền tín hiệu thứ cấp trong nhiều con đường tín hiệu nội bào khác nhau. Ceramide và S1P, chất chuyển hóa của sphingomyelin, điều hòa đáp ứng của tế bào với stress. Neurotrophin liên quan đến sự biệt hóa và tồn tại của tế bào thần kinh, và có vai trò trung tâm trong sự phát triển các bệnh lý như bệnh thần kinh tự động và hệ thống cảm giác. AMPK là một serin threonine kinase, hệ thống AMPK có vai trò kiểm soát tình trạng năng lượng của tế bào. Các chức năng trên bị rối loạn cũng phù hợp với biểu hiện lâm sàng đau căng tức, tê, thay đổi về mặt cảm xúc như khó chịu, trầm cảm trên bệnh nhân khí trệ huyết ứ.

Figure 13. Các con đường tín hiệu có sự khác biệt giữa khí trệ huyết ứ và người khỏe mạnh
---
Bổ huyết
Jing Sun và cs (2016)[4] khảo sát đích tác động của hai bài thuốc Tứ quân (bổ khí) và Tứ vật (bổ huyết) để tìm ra cơ chế phân tử của Khí và Huyết. Tứ vật tác động chủ yếu lên chuyển hóa amino acid và carbonhydrate (beta-Alanine, histidine, phenylalanine, tyrosine, tryptophan, ascorbate và aldarate, phân giải glycogen và tân tạo glucose, chuyển đổi pentose và glucoronate, con đường chuyển hóa retinol), chúng liên quan mật thiết đến các chất dinh dưỡng. Bất thường trong sự ly giải glycogen và tân tạo glucose cũng được quan sát thấy trong mô hình chuột bị huyết hư. Theo YHCT, huyết có chức năng nuôi dưỡng cơ thể. Kết quả nghiên cứu này cho thấy chức năng của huyết liên quan với chuyển hóa amino acid và carbonhydrate, phù hợp với vai trò dinh dưỡng của huyết. Tứ quân liên quan đến các con đường đồng hóa, như bài tiết mật và chuyển hóa linoleic, điều hòa sự phân giải lipid trong tế bào mỡ, gián tiếp ảnh hưởng đến chuyển hóa lipid và sự tổng hợp các hormone lipid; liên quan đến tương tác với thụ thể hoạt hóa thần kinh, serotonergic synape, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống thần kinh nội tiết; con đường tín hiệu hormone tuyến giáp, sự hình thành các steroid buồng trứng, con đường tín hiệu prolactin, con đường tín hiệu oxytocin, từ đó điều hòa sự bải tiết hormone; tác động đến co cơ trơn mạch máu từ đó điều hòa lưu lượng máu, áp lực máu và giữ máu tuần hoàn trong mạch; con đường tín hiệu calcium. Hormone tuyến giáp có chức năng thúc đẩy sự phát triển của cơ thể, tăng cường chuyển hóa năng lượng, duy trì nhiệt độ cơ thể và kích hoạt chuyển hóa năng lượng, hoạt hóa các cơ quan. Các steroid buồng trứng, prolactin, oxytocin duy trì sự phát triển bình thường của thai trong tử cung. Các chức năng này liên quan đến chức năng của Khí theo YHCT.
Theo YHCT, có mối liên hệ giữa Khí và Huyết. Trong nghiên cứu, một số con đường chịu tác động của cả hai bài Tứ quân và Tứ vật. GABA là chất dẫn truyền thần kinh ức chế, có vai trò then chốt trong kiểm soát con đường tín hiệu GnRH. GnRH gắn với thụ thể của nó tại gonadotrope và kích hoạt giải phóng gonadotropin, LH, FSH, từ đó kích hoạt con đường tín hiệu estrogen và tổng hợp và giải phóng các hormone steroid (estrogen, progestin, và androgen ở cả nam và nữ), và con đường tín hiệu cAMP trung gian cho các quá trình này. Tất cả các con đường trên phản ánh sự hoạt hóa chức năng của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận và sinh dục. Estrogen và các steroid hormone có thể thúc đẩy sự tạo máu, duy trì kinh nguyệt bình thường, và sự phát triển bình thường của thai trong tử cung. Arginine giữ vai trò then chốt trong hệ thống miễn dịch, nó thúc đẩy biểu hiện gen GH và hoạt hóa NOS/NO làm tăng lưu lượng máu, vì thế điều hòa con đường chuyển hóa arginine và proline làm tăng cường khả năng kháng nhiễm trùng, thúc đẩy sự phát triển của cơ thể, tăng cường lưu lượng máu. Tín hiệu PPAR có vai trò quan trọng trong chuyển hóa lipid. Cytoprome P450 liên quan đến chuyển hóa oxysterol, hormone sinh dục và neurosteroid, do đó chuyển hóa của xenobiotic bởi cytoprome P450 tạo thuận lợi cho chuyển hóa lipid, hormone sinh dục và bài tiết các neurosteroid. TNF, một cytokine trọng yếu, tác động lên nhiều con đường tín hiệu nội bào, như apoptosis và tồn tại tế bào cũng như đáp ứng viêm và miễn dịch. Tứ quan và Tứ vật điều hòa tín hiệu TNF và con đường apoptosis giúp tăng cường miễn dịch.

Figure 14. Các con đường đích tác động của Tứ quân và Tứ vật
Ghi chú: Màu đỏ là đích tác động của Tứ vật, màu xanh của Tứ quân, và màu xám chịu tác động của cả hai bài Tứ quân và Tứ vật.
Đương quy bổ huyết thang (gồm Hoàng kỳ và Đương quy) là bài thuốc bổ huyết kinh điển trong YHCT, do Lý Đông Viên (thời nhà Kim) sáng tạo. Bài thuốc dựa trên lí luận bổ khí để bổ huyết. Các nghiên cứu hiện đại tìm thấy nhiều cơ chế về tác dụng điều trị thiếu máu theo YHHĐ như thúc đẩy hấp thu sắt trong thiếu máu thiếu sắt, tăng cường tạo máu thông qua kích thích sản xuất erythropoietin ở thận, nga9n chặn sự giảm tế bào máu gây ra do miễn dịch, kích thích sự phát triển các dòng tế bào ở tủy xương và tăng trọng lượng của các tiền chất tạo máu ở tủy xương. Ngoài ra, Đương quy bổ huyết thang còn có tác động tăng cường đáp ứng miễn dịch thông qua các marker như lymphocyte, đại thực bào, IL-2. Trong nghiên cứu của nhóm tác giả Xu-Qin Shi và cs (2019)[3], thấy rằng astragaloside IV trong Hoàng kỳ, senkyunolide A và senkyunolide K trong Đương quy có liên quan đến tác động tạo máu của erythropoietin thông qua con đường tín hiệu PI3K-Akt và con đường tín hiệu MARK.
---
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chen, Guang, et al. (2019), "Identification of differentially expressed non‑coding RNAs and mRNAs involved in Qi stagnation and blood stasis syndrome", Experimental and therapeutic medicine. 17(2), pp. 1206-1223.
2. Liao, Jiangquan, Liu, Yongmei, and Wang, Jie (2016), "Identification of more objective biomarkers for Blood-Stasis syndrome diagnosis", BMC complementary and alternative medicine. 16(1), p. 371.
3. Shi, Xu-Qin, et al. (2019), "A network pharmacology approach to investigate the blood enriching mechanism of Danggui buxue Decoction", Journal of ethnopharmacology. 235, pp. 227-242.
4. Sun, Jing, et al. (2016), "To unveil the molecular mechanisms of qi and blood through systems biology-based investigation into Si-Jun-Zi-Tang and Si-Wu-Tang formulae", Scientific reports. 6, p. 34328.
5. Yue, Shi-Jun, et al. (2017), "Herb pair Danggui-Honghua: mechanisms underlying blood stasis syndrome by system pharmacology approach", Scientific reports. 7, p. 40318.
6. Zhao, Linlin, et al. (2014), "A metabonomics profiling study on phlegm syndrome and blood-stasis syndrome in coronary heart disease patients using liquid chromatography/quadrupole time-of-flight mass spectrometry", Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine. 2014.