4 phút đọc

4/18/2023

Đông Nam Á đối mặt với làn sóng COVID dịp nghỉ lễ

Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore đang chứng kiến số ca COVID mới tăng đột biến trước và trong các kỳ nghỉ lễ truyền thống, hầu hết người mắc có triệu chứng nhẹ.

Ngày 17/04: Số ca nhiễm COVID-19 tăng cao nhất trong gần sáu tháng qua

Ngày 16/04, Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan dự đoán số ca nhiễm COVID-19 sẽ tăng sau lễ hội té nước (Tết Songkran) mừng năm mới, bắt đầu từ tuần trước, kéo dài ba ngày. 

Đây là lần đầu tiên lễ hội diễn ra sôi nổi sau ba năm hạn chế vì dịch bệnh, tại gần 200 địa điểm chính thức ở Bangkok.

Tổng giám đốc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan - ông Thares Krasanairawiwong cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 09/04 đến 15/04, đã có 435 ca nhiễm mới nhập viện, gấp ba lần so với tuần trước. Trong đó, 30 ca bị viêm phổi, 19 ca thở máy, hai trường hợp tử vong. 

"Những người tham gia Tết Songkran không phải xét nghiệm nCoV, hầu hết không đeo khẩu trang, khiến Thái Lan có thể đối mặt với làn sóng COVID", ông Thares cho hay.

Số ca nhiễm tại Indonesia, Malaysia và Singapore cũng được dự báo tăng nhanh trong thời gian diễn ra lễ hội Hari Raya (đánh dấu kết thúc tháng ăn chay của người Hồi giáo) đầu tháng 5. 

Đây là dịp người dân hồi hương đoàn tụ với gia đình hoặc xuống đường ăn mừng.

Indonesia báo cáo hơn 900 ca mỗi ngày kể từ 11/04, trong đó có hai ca nhập cảnh nhiễm biến chủng XBB.1.16 - chủng mới gây đợt bùng phát hiện nay ở châu Á. 

Tổng thống Joko Widodo kêu gọi tất cả người hồi hương hoàn thành tiêm phòng COVID-19. Khi hầu hết hạn chế đã được dỡ bỏ, khoảng 120 triệu người Indonesia dự kiến ra đường. Đây có thể là dòng người có quy mô lớn nhất tại nước này kể từ khi đại dịch bắt đầu năm 2020.

"Điều quan trọng nhất là tiêm chủng, đặc biệt tiêm mũi nhắc lại. Những người chưa được tiêm phòng phải thận trọng, nếu muốn an toàn trước COVID-19", ông Widodo nói.

Đông-Nam-Á-đối-mặt-với-làn-sóng-COVID-dịp-nghỉ-lễ.jpg

Với số ca nhiễm tăng cao tại Malaysia, các chuyên gia khuyến cáo người dân đeo khẩu trang. Ảnh minh họa: TheStar. 

Tương tự tại Malaysia, Bộ Y tế cho biết số ca nhập viện do COVID đầu tháng 4 tăng 17,6% so với tháng 3. Trong đó, 63% ca nhiễm là bệnh nhân 60 tuổi trở lên, 90% có bệnh nền. 

Hầu hết họ mắc triệu chứng nhẹ. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân chưa tiêm vaccine cao gấp 6 lần so với người tiêm ít nhất một liều. Người có nguy cơ cao, chẳng hạn như người già, người béo phì, mắc nhiều bệnh đi kèm, bị suy giảm miễn dịch, rất dễ tái nhiễm. 

Singapore ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày tăng từ khoảng 1.400 ca lên khoảng 4.000 vào tuần trước. Trong đó, 30% ca tái nhiễm, cao hơn tỷ lệ 20 - 25% trong đợt trước đó, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết.

Trong khi số bệnh nhân COVID-19 nhập viện đã tăng lên, từ con số 80 tháng trước lên 220 như đang ở hiện tại, ông Ong cho biết con số này vẫn "thấp hơn nhiều" so với con số trong thời kỳ cao điểm của đại dịch và thấp hơn nhiều so với số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lây nhiễm không do COVID-19. 

Ông Ong nói: “Những gì đang xảy ra là minh chứng rõ ràng cho thấy chúng ta đã tiến được bao xa trong việc đối phó với COVID-19. Ngay cả trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 như hiện nay, chúng ta vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường, không bận tâm về số ca nhiễm bệnh... Đây mới là đặc điểm của dịch bệnh." 

Theo ông, nCoV đã trở nên thường quy, tức là luôn lưu hành trong cộng đồng. Điều gây nên làn sóng dịch mới ở địa phương không phải do người nhập cảnh hay du khách, mà bởi tái nhiễm. Khi khả năng bảo vệ từ vaccine hoặc nhiễm bệnh tự nhiên suy yếu theo thời gian, người dân sẽ mắc bệnh lần nữa, khiến số ca dương tính tăng lên, một làn sóng mới xuất hiện.

Ông Ong cho biết Singapore tiếp tục giải trình tự gene virus, đặc biệt chú ý biến chủng XBB.1.16. Báo cáo cho thấy chưa có biến chủng chiếm ưu thế, không có bằng chứng chúng gây ra triệu chứng nặng hơn.

Tại Việt Nam, số ca nhiễm mới cũng đang tăng trở lại, kéo theo số người nhập viện tăng. Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ Covid có thể lây nhiễm trong đợt nghỉ lễ 30/04 - 01/05, khuyến cáo người dân thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm chủng đúng lịch, đủ liều do vaccine vẫn có hiệu quả phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong.

Vừa qua, ngày 17/04, để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh COVID-19 nhằm phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế đã ban hành Văn bản số 2213/BYT-KCB về việc tăng cường công tác thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19 yêu cầu các bên liên quan rà soát, đánh giá và khẩn trương triển khai một số giải pháp.

[Kỹ thuật] Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị sơ sinh - Bộ Y tế 21/4/2020

Nguồn: VNExpress. 

 

#COVID-19
Bình luận