3 phút đọc

4/12/2023

[ĐỊNH NGHĨA + SINH LÍ BỆNH + CĂN NGUYÊN] PHÙ

Phù có thể là kết quả của một quá trình toàn thân hoặc cục bộ và có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong cơ thể. Không phải tất cả phù nề đều nghiêm trọng; hậu quả phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân.

Tại sao chân bị phù?

Định nghĩa PHÙ

Phù là tình trạng sưng nề các mô mềm do thoát dịch vào khoảng kẽ. Dịch chủ yếu là nước, nhưng cũng có thể có sự tích tụ protein và chất lỏng giàu chất protein nếu có nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn bạch huyết.

Phù có thể xuất hiện ở toàn thân hoặc cục bộ (giới hạn ở một chi hoặc một phần chi). Đôi khi, triệu chứng này xuất hiện đột ngột, bệnh nhân có thể mô tả rằng chân hoặc tay họ đột ngột xuất hiện tình trạng phù nề. Nhưng thông thường, triệu chứng phù xuất hiện kín đáo và từ từ tăng dần, khởi phát bằng các biểu hiện tăng cân, nặng mí mắt khi thức dậy vào buổi sáng, hay đi giầy thấy chật vào cuối ngày. Phù tuy tiến triển chậm, nhưng thường đã ở mức độ nặng trước khi bệnh nhân đi khám.

Triệu chứng phù thường ít gây khó chịu ngoài việc mặc quần áo chật; các triệu chứng đi kèm khác thường do bệnh lý nền gây ra. Bệnh nhân phù do suy tim (nguyên nhân thường gặp) thường có khó thở gắng sức, khó thở khi nằm và khó thở kịch phát về đêm. Bệnh nhân bị phù do huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) thường có đau chân.

Phù do tăng thể tích dịch ngoại bào thường thay đổi theo tư thế. Do đó, ở bệnh nhân đi lại được, phù khu trú ở cẳng chân và bàn chân; ở bệnh nhân nằm nhiều, phù xuất hiện ở mông, bộ phận sinh dục, và mặt sau đùi. Bệnh nhân nữ hay nằm nghiêng một bên, phù có thể chỉ khu trú ở một bên vú. Tắc mạch bạch huyết gây phù ở phần ngoại vi của vùng tắc nghẽn.

Sinh lý bệnh của phù

Phù xuất hiện do sự gia tăng dịch từ lòng mạch vào khoảng kẽ, hoặc giảm dịch từ khoảng kẽ vào mao mạch và mạch bạch huyết. Cơ chế bao gồm:

- Tăng áp lực thủy tĩnh mao mạch

- Giảm áp lực keo huyết tương

- Tăng thẩm thấu mao mạch

- Tắc nghẽn hệ bạch huyết

Khối lượng tuần hoàn trong lòng mạch suy giảm do có sự di chuyển dịch từ lòng mạch vào khoảng kẽ. Sự suy giảm thể tích nội mạch kích hoạt hệ thống renin-angiotensin-aldosterone-vasopressin (ADH), dẫn đến hiện tượng tái hấp thu natri tại thận. Do có sự gia tăng áp lực thẩm thấu, việc tái hấp thu natri sẽ kéo theo tái hấp thu nước, và giúp duy trì thể tích huyết tương. Hiện tượng tăng tái hấp thu natri tại thận cũng có thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng quá tải dịch, từ đó gây phù. Hấp thu quá nhiều muối từ khẩu phần ăn bên ngoài cũng có thể góp phần gây phù.

Phù cũng có thể xảy ra do sự suy giảm áp lực keo huyết tương, từ đó dịch di chuyển từ lòng mạch ra khoảng kẽ, ví dụ như trong hội chứng thận hư, bệnh lý mất protein qua đường ruột, suy gan hoặc suy dinh dưỡng.

Tăng thẩm thấu mao mạch trong các bệnh lý nhiễm trùng, hoặc do hậu quả của độc tố, hoặc viêm gây tổn thương thành mao mạch. Trong phù mạch, các chất trung gian, bao gồm chất trung gian có nguồn gốc từ tế bào mast (ví dụ, histamine, leukotrienes, prostaglandin) và bradykinin và các chất trung gian có nguồn gốc từ bổ thể, gây ra phù khu trú.

Hệ thống bạch huyết chịu trách nhiệm loại bỏ protein và các tế bào bạch cầu (cùng với một số nước) khỏi kẽ. Tắc mạch bạch huyết tạo điều kiện cho các chất này tích tụ trong khoảng kẽ.

Căn nguyên của phù

Phù toàn thân thường do

- Suy tim

- Suy gan

- Bệnh thận (đặc biệt là hội chứng thận hư)

Phù khu trú thường do

- Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới hoặc các bệnh lý tĩnh mạch khác, hoặc các bệnh lý gây tắc nghẽn tĩnh mạch (như khối u)

- Nhiễm trùng

- Phù mạch

- Tắc mạch bạch huyết

- Suy tĩnh mạch mạn tính có thể gây phù ở một hoặc cả hai chân.

#Tài liệu y khoa
Bình luận