6 phút đọc

4/4/2023

HỒN NƯỚC TIẾNG TA - GIAO THOA NGÔN NGỮ - LỢI HAY HẠI? 

"Tiếng nói là một thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải gìn giữ nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp." - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với quá trình hội nhập thế giới, sự giao thoa văn hóa - xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Không thể phủ nhận, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa khiến Tiếng Việt có nhiều cơ hội tiếp thu được nhiều yếu tố mới và tiến bộ làm cho ngôn ngữ của Đất nước trở nên phong phú và giàu đẹp hơn. Nhưng mặt khác tiếng Việt cũng phải đối mặt trước sự lai căng ngôn ngữ ảnh hưởng tiêu cực đến sự trong sáng của tiếng Việt. 

1. Những bước chuyển mình của tiếng Việt trong quá trình Hiện đại hóa Đất nước: 

- Một trong những đặc điểm nổi bật nhất phải nhắc đến đầu tiên và xem đó là sự kiện của ngôn ngữ học Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua, đó là, lần đầu tiên Hiến pháp Việt Nam (2013) đã hiến định vị thế quốc gia của tiếng Việt: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”

- Đối với một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ như Việt Nam, việc khẳng định vị thế ngôn ngữ quốc gia cũng như vị thế của từng ngôn ngữ trong mối quan hệ giữa các ngôn ngữ với nhau là đặc biệt quan trọng. Bởi, sự khẳng định này đảm bảo cho một trạng thái đa ngữ-đa thể ngữ ổn định, cân bằng động, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng hay đa dạng trong thống nhất.

2. Giao thoa ngôn ngữ là tất yếu trong quá trình toàn cầu hóa: 

- Nói đến toàn cầu hóa, phải chỉ ra yếu tố cốt lõi là kết nối. Khi các quốc gia kết nối với nhau, khoảng cách địa lý và sự khác biệt văn hóa không còn là rào cản, chúng ta tiếp cần với những khái niệm mới mà dân tộc mình chưa có. Đó là lý do ngôn ngữ bắt đầu được vay mượn. Ví dụ như từ chuyên ngành như “marketing”, “insight”, “vlog”... hoặc có những từ đã được dịch ra bằng tiếng mẹ đẻ nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi với ngôn ngữ gốc như “valentine”.

- Nói đến tất yếu, là nói đến việc không thể tránh khỏi - dù muốn hay không. 

- Sự kết nối trong thời kỳ toàn cầu hóa khiến việc sử dụng ngoại ngữ trở thành yếu tố quan trọng để chúng ta hội nhập và phát triển. Sự ảnh hưởng giữa các ngôn ngữ sẽ xảy ra 1 chuyện là người nói dùng 1 - 2 loại ngôn ngữ cùng lúc và không hẳn là sự khoe khoang, số này cũng có nhưng mà rất là ít. Nó chỉ phản ánh 1 chuyện là sự bất tương xứng trong việc sử dụng ngôn ngữ mà thôi. Bởi lẽ, rõ ràng ngôn ngữ nào được sử dụng nhiều hơn, thì sẽ thành thục hơn. Một người trẻ làm trong môi trường hoàn toàn là tiếng Anh, suy nghĩ bằng tiếng Anh thì rất khó có thể giao tiếp với bạn bè mà không chêm một từ tiếng Anh nào đó. Đơn giản chỉ là do thói quen.

3. Ngôn ngữ bản thân nó cũng không phải thứ bất biến mà nó tiến hóa theo nhịp sống của con người: 

- Ngôn ngữ là phản ánh tư duy sống, mà cách sống của người vài trăm năm trước sẽ khác hẳn chúng ta bây giờ. Mọi ngôn ngữ thì đều phát triển qua thời gian, đi cùng với sự phát triển, tiến hóa của con người. Trong quá trình ấy thì những từ mới, từ thông dụng sẽ được hình thành và từ cũ sẽ mất đi. Không thể đòi hỏi là ngôn ngữ của anh phải giống hệt vài trăm hay vài nghìn năm trước được, thậm chí chỉ là vài chục năm - với thời đại thông tin nhịp sống thay đổi từng giây như hiện tại. 

- Nói đến chuyện ngôn ngữ cũ bị biến dạng thì cũng phải nói đến trường hợp ngôn ngữ mới ra đời. Bản thân nội tại của ngôn ngữ không ngừng đổi mới và phát triển. Ví dụ Oxford Dictionary trung bình mỗi năm sẽ cập nhật đâu đó khoảng từ 700 - 2000 từ, 1 kiểu khác là cập nhật nghĩa mới cho từ cũ. Hoặc có những từ mới gần gũi với cuộc sống hiện tại như Me Time, hay có những thuật ngữ khoa học, hay thêm từ gốc của nước ngoài như banh mi hoặc pho thì sẽ dễ hiểu và đại chúng hơn nhiều. 

4. Khi Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ dành cho người Việt:

- Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ dành cho người Việt mà còn dành cho những người yêu Đất nước và Văn hóa của Việt Nam. Hiện nay, Nhiều đại học trên thế giới đã đưa tiếng Việt vào giảng dạy.

- Tại Mỹ, nhiều trường đại học lớn đã đưa tiếng Việt vào giảng dạy, như Đại học Houston, Đại học California, Đại học Yale, Đại học Oriental, Đại học Washington, Đại học Oregon...

- Một số trường có chương trình trao đổi sinh viên với các trường tại Việt Nam như Đại học Hobart and William Smith, Đại học Oriental, Đại học Washington...

- Tại Canada, đại học giảng dạy tiếng Việt nổi tiếng nhất là Học viện Konrad.

- Ở trung tâm châu Âu, trường dạy tiếng Việt lâu đời nhất là Đại học Prague, với ngành "hot" Dân tộc học Việt Nam. Đại học L'Orientale (Italia), Đại học Humboldt, Đại học Hamburg, Đại học Passau (Đức), Đại học Fulbright (Anh)... đều là các trường có ngành Việt Nam học.

- Sinh viên Nga muốn nghiên cứu về tiếng Việt và Việt Nam học sẽ tìm đến Đại học Quốc gia Lomonosov.

- Tại Nhật Bản, sinh viên đam mê tiếng Việt có thể tới học tại trường Đại học ngoại ngữ Tokyo. Còn ở Hàn Quốc là Đại học ngoại ngữ Hankuk.

5. Tiếng Việt - Hoà nhập nhưng không hòa tan:

- Sự trong sáng của tiếng Việt cũng là một chủ đề gây tranh cãi gần đây khi trong quá trình giao thoa Ngôn ngữ, đã xuất hiện nhiều ngôn ngữ lai căng, hỗn tạp làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tiếng Việt.

- Thế nhưng, trong sáng hay không, không phụ thuộc vào từ ngữ mà phụ thuộc vào ý đồ của người nói. Tiếng Việt chính là một bản sắc không thể thay đổi, nó là một minh chứng hùng hồn cho những giai đoạn lịch sử và sự phát triển của nước ta, nên hãy sử dụng từ mượn, sáng tạo, biến tấu để góp phần làm cho chúng trở nên ngày một giàu đẹp, đa dạng hơn.

Tài liệu tham khảo: 

[1] Đào Yến Thanh - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ. 

[2] GS.TS Nguyễn Văn Khang - Báo cáo đề dẫn tại “Hội thảo Ngữ học toàn quốc” tháng 4.2015.

[3] Ngân Giang (2016) - Khoa Việt Nam học tại nhiều trường nổi tiếng thế giới - Zingnews 

[4] PGS. TS. Vương Toàn - Biến đổi của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế - Đại học Sư Phạm Hà Nội khoa Ngữ văn.  

#University
Bình luận