3 phút đọc
3/16/2023
Bệnh viện Chợ Rẫy có hơn 1.100 ca ghép thận trong 30 năm
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết sau 30 năm, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã có 1.127 trường hợp ghép thận. Trong đó, có khoảng 70 ca ghép thận từ người hiến chết não, tim ngừng đập.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức lễ kỷ niệm hành trình 30 năm ghép thận và Hội thảo khoa học bệnh viện Chợ Rẫy hôm 16/03.
Ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tặng hoa cho các bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: K.V (Báo Sức khỏe và Đời Sống).
Đã 1.127 trường hợp ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, ngày 28/2/1992, Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca ghép thận đầu tiên với sự hỗ trợ của các giáo sư đầu ngành và các chuyên gia trong và ngoài nước. Cũng kể từ đây, Bệnh viện đã tập trung phát triển ghép thận. Đây được xem là một trong những mũi nhọn của nơi này. Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai nghiên cứu thành công nhiều đề tài các cấp. Những nghiên cứu được chấp nhận, đưa ghép thận trở thành phẫu thuật thường quy.
Được biết, Bệnh viện đã thực hiện 1.127 trường hợp ghép thận, trong đó có khoảng 70 ca ghép thận từ người hiến chết não, tim ngừng đập.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh rằng việc hiến mô tạng cho những người suy tạng là một món quà vô giá. Đó không chỉ là nghĩa cử cao đẹp, mà còn nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như tắt hết hy vọng với cuộc đời. Với tinh thần nhân ái, sẻ chia, nhiều người đã quyết định hiến tạng góp phần thay đổi cuộc sống của những người bệnh kém may mắn đang chờ đợi nguồn tạng hiến.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là đơn vị tiên phong triển khai các giải pháp để mở rộng nguồn thận hiến, như ghép thận từ người cho chết não (ngày 23/4/2008); từ người cho tim ngừng đập (18/6/2015), ghép đối chéo người cho (11/01/2017) và ghép không tương hợp nhóm máu ABO (29/12/2021)...
Một số thông tin về việc người có thể hiến tạng
Đối với những trường hợp có mong muốn hiến tạng khi còn sống (một quả thận, một phần lá gan hoặc một lá phổi), người hiến phải có những điều kiện sau:
Người hiến từ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự. Đồng thời, người hiến trên cơ sở tình nguyện hiến, không trao đổi mua bán. Bên cạnh đó, người mong muốn hiến tạng phải đáp ứng các chỉ số y học được các cơ sở y tế chuyên ngành thăm khám, kết luận đủ điều kiện hiến tạng khi còn sống. Tuy vậy, việc này chỉ áp dụng trong trường hợp hiến tạng cho người thân trong gia đình, cùng huyết thống, hoặc trường hợp đặc biệt, người hiến phải trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc vô danh, vô vụ lợi.
Mặt khác, người hiến có thể đăng kí hiến mô tạng sau khi chết. Điều kiện để đăng kí hiến mô là bất kỳ người nào từ đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự, tự nguyện đều có thể đăng ký hiến và việc hiến tặng bất kỳ mô, tạng nào chỉ diễn ra sau khi người đăng ký hiến qua đời (chết hoặc chết não).
Người hiến tạng sau khi chết, chết não có thể hiến được nhiều mô, tạng cùng lúc để cứu sống được nhiều người bệnh, như: tim, gan, thận, phổi, ruột, tụy, giác mạc, da, gân, xương, van tim, mạch máu...
> Ghi nhận một ca tử vong và mù mắt trong vụ nhiễm độc Methanol tại Quảng Ninh