7 phút đọc

3/2/2023

[NGUYÊN NHÂN + PHÂN LOẠI] NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Các vi khuẩn gây NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU có thể liên quan đến niệu đạo, tuyến tiền liệt, bàng quang hoặc thận.

Nguyên nhân viêm đường tiết niệu có thể bạn chưa biết 

Nguyên nhân NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Các vi khuẩn thường gây viêm bàng quang và viêm thận bể thận là:

Vi khuẩn đường ruột, thường là vi khuẩn kỵ khí gram âm (thường gặp).

Vi khuẩn Gram dương (ít gặp hơn)

Trong đường sinh dục tiết niệu bình thường, chủng Escherichia coli có các yếu tố bám dính đặc hiệu với vùng biểu mô chuyển tiếp của bàng quang và niệu quản chiếm từ 75 đến 95% trường hợp. Các căn nguyên vi khuẩn gram âm đường ruột khác là Klebsiella hoặc là Proteus mirabilis, và đôi khi Pseudomonas aeruginosa. Trong số vi khuẩn Gram dương, Staphylococcus saprophyticus có liên quan từ 5 đến 10% loại vi khuẩn gây NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU. Vi khuẩn gram dương ít phổ biến hơn là Enterococcus faecalis (liên cầu nhóm D) và Streptococcus agalactiae (liên cầu nhóm B), có thể bị bội nhiễm, đặc biệt nếu chúng được phân lập từ bệnh nhân viêm bàng quang không biến chứng.

Ở bệnh nhân nằm viện, E. coli chiếm khoảng 50% trường hợp. Các loài vi khuẩn gram âm Klebsiella, Proteus, Enterobacter, Pseudomonas và Serratia chiếm khoảng 40%, và số còn lại là cầu khuẩn gram dương E. faecalis, S. saprophyticus và Staphylococcus aureus.

Phân loại NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Viêm niệu đạo

Viêm niệu đạo do vi khuẩn (hoặc ký sinh trùng, vi rút, hoặc nấm) xảy ra khi các căn nguyên này nhân lên cấp tính hoặc mạn tính tại đoạn niệu đạo hành và niệu đạo dương vật của nam giới và toàn bộ niệu đạo của nữ giới. Các mầm bệnh gây bệnh lây truyền qua đường tình dục Chlamydia trachomatis (xem Các bệnh nhiễm trùng do Chlamydial, Mycoplasmal và Ureaplasmal), Neisseria gonorrhoeae (xem Gonorrhea), Trichomonas vaginalis (xem Trichomoniasis) và vi rút herpes simplex là những nguyên nhân phổ biến ở cả hai giới.

Viêm bàng quang

Viêm bàng quang là tình trạng nhiễm trùng bàng quang. Viêm bàng quang hay gặp ở phụ nữ, thường khởi phát sau quan hệ tình dục (viêm bàng quang tuần trăng mật), đa số là nhẹ và ít biến chứng. Ở nam giới, viêm bàng quang thường diễn biến phức tạp hơn, do căn nguyên đi ngược lên từ niệu đạo, hoặc tiền liệt tuyến, hoặc thứ phát sau can thiệp đặt dụng cụ vào niệu đạo. Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm bàng quang tái phát ở nam giới là viêm mạn tính tuyến tiền liệt.

Hội chứng niệu đạo cấp

Hội chứng niệu đạo cấp tính, xảy ra ở phụ nữ, là một hội chứng liên quan đến tiểu buốt, tiểu nhiều lần, và tiểu mủ (hội chứng tiểu buốt-tiểu mủ), do đó triệu chứng tương tự viêm bàng quang. Tuy nhiên, trong hội chứng niệu đạo cấp tính (không giống như ở bệnh viêm bàng quang), nuôi cấy nước tiểu thường là âm tính hoặc biểu hiện số khuẩn lạc thấp hơn tiêu chuẩn kinh điển để chẩn đoán nhiễm khuẩn bàng quang. Nguyên nhân gây viêm niệu đạo có thể do Chlamydia trachomatis và Ureaplasma urealyticum, những loại vi khuẩn không thể phát hiện trên nuôi cấy nước tiểu thường quy.

Các nguyên nhân không nhiễm trùng đã được đề xuất, nhưng các bằng chứng khẳng định vẫn chưa được kết luận rõ ràng, và hầu hết các nguyên nhân không nhiễm trùng thường ít hoặc không có hiện tượng tiểu mủ. Các nguyên nhân không nhiễm trùng có thể bao gồm các bất thường về giải phẫu (ví dụ như hẹp niệu đạo), bất thường về sinh lý (ví dụ rối loạn chức năng cơ đáy chậu), mất cân bằng hoóc môn (ví dụ viêm niệu đạo teo), chấn thương cục bộ, triệu chứng của hệ thống đường ruột, và viêm.

Vi khuẩn niệu không triệu chứng

Vi khuẩn niệu không triệu chứng là tình trạng không có triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể của NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU ở bệnh nhân, nhưng cấy nước tiểu có đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU. Tiểu mủ có thể có hoặc không. Do không có triệu chứng, nên các vi khuẩn niệu được tìm thấy chủ yếu ở những bệnh nhân có nguy cơ cao được sàng lọc, hoặc khi nuôi cấy nước tiểu vì các lý do khác.

Sàng lọc bệnh nhân có vi khuẩn niệu không triệu chứng được chỉ định cho những người có nguy cơ biến chứng nếu không được điều trị. Những bệnh nhân này bao gồm

Phụ nữ mang thai ở tuổi thai từ 12 đến 16 tuần hoặc trong lần khám thai đầu tiên, nếu muộn hơn (vì nguy cơ NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU có triệu chứng, bao gồm viêm thận bể thận, trong thai kỳ; và các kết quả bất lợi khi mang thai, bao gồm trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non; xem US Preventive Services Task Force Reaffirmation Recommendation Statement.)

Bệnh nhân đã có ghép thận trong vòng 6 tháng trước

Trẻ nhỏ bị trào ngược bàng quang niệu quản đại thể

Trước một số thủ thuật xâm lấn bộ phận sinh dục có thể gây chảy máu niêm mạc (ví dụ: cắt bỏ tuyến tiền liệt qua đường dẫn tinh)

Một số bệnh nhân nhất định (ví dụ, phụ nữ sau mãn kinh; bệnh nhân tiểu đường được kiểm soát; bệnh nhân liên tục sử dụng các dị vật đường tiết niệu như stent, ống nội soi cắt thận, và ống thông lưu) thường có vi khuẩn niệu dai dẳng không triệu chứng và đôi khi đái ra mủ. Nếu họ không có triệu chứng, những bệnh nhân này không nên được sàng lọc thường xuyên, bởi vì họ có nguy cơ thấp. Ở những bệnh nhân có ống thông lưu, việc điều trị vi khuẩn niệu không có triệu chứng thường không loại bỏ được vi khuẩn niệu và chỉ dẫn đến sự phát triển của các sinh vật kháng sinh.

Viêm thận bể thận cấp tính

Viêm thận bể thận là nhiễm khuẩn ở nhu mô thận. Thuật ngữ này không nên được sử dụng để mô tả bệnh ống kẽ thận trừ khi tình trạng nhiễm trùng được ghi nhận. Ở phụ nữ, khoảng 20% các trường hợp nhiễm khuẩn huyết mắc phải ở cộng đồng là do viêm thận bể thận. Viêm thận-bể thận là không phổ biến ở nam giới với một đường niệu bình thường.

Trong 95% trường hợp viêm thận bể thận, nguyên nhân là sự xâm nhập của vi khuẩn ngược dòng qua đường niệu. Mặc dù tắc nghẽn (ví dụ: hẹp, sỏi, khối u, bàng quang thần kinh, trào ngược bàng quang niệu quản) dẫn đến viêm thận bể thận, nhưng hầu hết phụ nữ bị viêm thận bể thận không có khiếm khuyết về chức năng hoặc giải phẫu có thể chứng minh. Ở nam giới, viêm thận bể thận thường do một số khiếm khuyết chức năng hoặc giải phẫu. Bệnh viêm bàng quang đơn thuần hoặc các khiếm khuyết giải phẫu có thể gây ra trào ngược. Nguy cơ ngược dòng của vi khuẩn sẽ tăng lên đáng kể khi có giảm nhu động niệu quản (ví dụ như trong thời gian mang thai, tắc nghẽn, hay do độc tố vi khuẩn gram âm). Bệnh viêm thận bể thận phổ biến ở trẻ em gái, phụ nữ mang thai sau khi đặt sonde bàng quang.

Viêm thận bể thận nếu không do vi khuẩn ngược dòng đường niệu, thì thường là qua đường máu, đặc biệt là các vi khuẩn có độc tố như là các loài S. aureus, P. aeruginosa, Salmonella species và các loài Candida.

Thận thường tăng kích thước vì bạch cầu đa nhân trung tính gây viêm và phù nề. Tình trạng nhiễm khuẩn là khu trú và không liên tục, bắt đầu từ vùng chậu đi lên tuỷ thận sau đó lan vào vùng vỏ thận tạo hình ảnh tổn thương hình chêm. Các tế bào viêm xuất hiện trong vòng vài ngày, và vùng tủy và vùng dưới vỏ của thận có thể hình thành các ổ áp xe. Thường là vùng nhu mô bình thường của thận nằm xen giữa các ổ nhiễm trùng.

Hoại tử nhú thận có thể là bằng chứng của viêm thận bể thận cấp liên quan đến bệnh đái tháo đường, tắc nghẽn, bệnh hồng cầu hình liềm, viêm thận bể thận ở những bệnh nhân ghép thận, viêm thận bể thận do nấm candida, hoặc bệnh thận do thuốc giảm đau.

Mặc dù viêm thận bể thận cấp thường liên quan đến vết sẹo thận ở trẻ em, nhưng sẹo ở người lớn không thể phát hiện được khi không có trào ngược hoặc tắc nghẽn.



#Nội thận#Tài liệu y khoa
Bình luận