Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm và có khả năng lây nhiễm rất nguy hiểm.
Phát biểu tại “Chương trình hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 2022”, PGS.TS.Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết: bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người tử vong vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi.

Hình ảnh. Bệnh lao phổi
Bệnh nhân bị mắc bệnh lao nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn giúp chúng ta ngăn chặn nguồn lây lan tại cộng đồng. Bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời là gánh nặng cho gia đình mà còn là nguồn lây lan đáng lo ngại cho cộng đồng. Khi có các triệu chứng như sau phải đến ngay cơ sở y tế để khám và xét nghiệm kịp thời:
- Ho khạc đờm kéo dài trên 02 tuần;
- Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi.
- Sốt nhẹ về chiều, người mệt mỏi, ra mồ hôi về đêm
- Đau ngực, khó thở, ho ra máu

Hình ảnh. Triệu chứng của bệnh lao phổi
Tác nhân gây bệnh lao phổi: Trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) thuộc họ Mycobacteriaceae.
Lao phổi lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn lao từ các hạt nước bọt li ti, hoặc trong các hạt bụi nhỏ có đường kính từ 1 đến 5 mm sẽ dễ dàng bị hít vào phổi, xuống tận phế nang và nhân lên, gây bệnh tại phổi. Từ phổi, vi khuẩn có thể qua máu, bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể (hạch bạch huyết, xương, gan, thận,...) và gây bệnh tại các cơ quan đó của cơ thể.
Ai cũng có thể mắc bệnh lao phổi. Trẻ sơ sinh chưa có miễn dịch bảo vệ nên rất dễ mắc bệnh. Phụ nữ mang thai, cho con bú, người bị HIV, đái tháo đường, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch điều trị một số bệnh khác... là những người có nguy cơ cao dễ mắc lao phổi hoặc lao các cơ quan khác.
Miễn dịch với lao là miễn dịch đặc hiệu qua trung gian tế bào nhưng hiệu lực bảo vệ không mạnh và không bền. Miễn dịch với lao là miễn dịch thu được, không truyền từ mẹ sang con cho nên cần phải tạo miễn dịch cho trẻ bằng cách tiêm phòng lao (vắc xin BCG) sau khi trẻ sinh ra.
Cần có những biện pháp phòng chống điều trị bệnh lao phổi
Biện pháp dự phòng bệnh lao phổi: Biện pháp dự phòng quan trọng nhất là "cắt đứt nguồn lây", có nghĩa là phải phát hiện sớm những người bị lao phổi có AFB(+) và chữa khỏi cho họ. Tuy nhiên bệnh lao là một bệnh có tính xã hội cho nên những biện pháp dự phòng mang tính cộng đồng cũng rất quan trọng.
- Làm tốt công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe cho mọi người. Ai cũng hiểu được bệnh lao là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có thể phòng và chữa khỏi được hoàn toàn. Qua đó có ý thức phòng bệnh bằng cách tăng cường sức khỏe, làm sạch và thông thoáng tốt môi trường sống.
- Kiểm soát phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế hoặc tại những nơi có nguồn lây (bệnh viện lao, trại giam...) bằng cách:
+ Người bệnh phải đeo khẩu trang, khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ quy định và đờm hoặc các vật chứa nguồn lây phải được hủy đúng phương pháp.
+ Tận dụng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh.
+ Tạo được những điều kiện thông gió tốt để không khí được lưu thông nhằm giảm thấp nhất nồng độ các hạt chứa vi khuẩn lao trong không khí.
Biện pháp quản lý và điều trị bệnh lao phổi.
- Tổ chức: Mỗi quận, huyện đều có 1 tổ chống lao cùng với mạng lưới là các nhân viên y tế xã có nhiệm vụ phát hiện những người nghi mắc lao. Nhân viên y tế xã giới thiệu những người ho khạc kéo dài trên 2 tuần đến tổ chống lao huyện để khám, xác định bệnh lao phổi bằng soi đờm trên kính hiển vi. Những người có AFB trong đờm sẽ được chẩn đoán là lao phổi và được đăng ký điều trị, cấp thuốc miễn phí. Những người nghi ngờ hoặc bệnh nặng sẽ được gửi lên tuyến tỉnh để chẩn đoán, điều trị.
- Chuyên môn:
+ Cách ly, điều trị người bệnh:
Những người bệnh lao phổi phải được đăng ký điều trị và theo dõi suốt trong quá trình mang bệnh. Nơi đăng ký là các đơn vị chống lao tuyến huyện, tỉnh... gần nơi người bệnh cư trú. Phương pháp "điều trị có kiểm soát bằng phác đồ ngắn hạn" (DOTS-Directly Observed Treatment Short-course) tại tuyến y tế cơ sở là phương pháp tổ chức chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh lao được khám chữa bệnh và theo dõi một cách tốt nhất. Hệ thống mạng lưới tổ chức chống lao phủ khắp toàn quốc và trên tất cả các tuyến y tế thuận lợi cho công tác phát hiện và quản lý điều trị.
Người bệnh được các nhân viên y tế giám sát điều trị trực tiếp 2 tháng đầu tiên. Sau đó sẽ được giám sát bởi các nhân viên y tế hoặc người thân hoặc tình nguyện viên trong giai đoạn sau cho đến khi kết thúc điều trị.
+ Dự phòng:
Tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ sơ sinh
Người bệnh bắt buộc phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.
Uống INH 300mg/ngày x 6 tháng dự phòng cho những người có nguy cơ mắc lao cao như người có HIV trong các trại giam, trong các trung tâm 05-06.
Các chất thải của người bệnh phải được xử lý trước khi thải ra hệ thống chung. Đờm và các dụng cụ chứa phải được đốt, hoặc xử lý bằng hóa chất.
Thông gió tốt các buồng bệnh và những nơi tập trung nhiều người bệnh. Tận dụng tối đa ánh nắng và gió trong môi trường sống và làm việc.
Nguyên tắc điều trị bệnh lao phổi
- Người bệnh phải được điều trị càng sớm càng tốt ngay sau khi phát hiện bệnh
- Phương pháp điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS).
- Điều trị theo phác đồ chuẩn được Bộ Y tế quy định cho các trường hợp lao phổi mới được phát hiện.
- Tuân thủ nguyên tắc:
Uống thuốc đúng phác đồ.
Uống thuốc đủ thời gian.
Uống thuốc đều đặn vào 1 lần nhất định trong ngày, xa bữa ăn.
Kiểm dịch biên giới: Tất cả các trường hợp lao phổi AFB(+) phải được thông báo với cơ quan y tế chịu trách nhiệm của những quốc gia người bệnh đi qua để quản lý và đảm bảo người bệnh được điều trị liên tục.
Nguồn: Trang thông tin điện tử của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế