Khi đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, trong trường hợp nhiều người cùng nộp hồ sơ thì người già và trẻ nhỏ có thuộc các đối tượng ưu tiên khám chữa bệnh không?

Ảnh: iStock
Người già và trẻ em có nằm trong số các đối tượng ưu tiên khám chữa bệnh không?
Căn cứ theo Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, nguyên tắc hành nghề của y bác sĩ được quy định như sau:
1. Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
2. Tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 11 và khoản 4 Điều 59 của Luật này.
3. Kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật
4. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai.
5. Bảo đảm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề.
6. Tôn trọng, hợp tác và bảo vệ người hành nghề khi làm nhiệm vụ.
Như vậy dựa theo khoản 4 Điều trên thì người già từ 80 tuổi trở lên và trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được ưu tiên khám chữa bệnh.
Ngoài ra các đối tượng khác cũng được ưu tiên khi khám chữa bệnh là người khuyết tật nặng, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai và trường hợp cấp cứu. Đối với cấp cứu, căn cứ theo khoản 1 Điều 54, hai hình thức cấp cứu bao gồm cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cấp cứu ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Quyền của trẻ em trong việc khám chữa bệnh là gì?
Theo Điều 13 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, quy định về quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được trình bày như sau:
1. Trường hợp người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì người đại diện hợp pháp của người bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.
2. Trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, nếu không có mặt người đại diện hợp pháp của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy đối với trẻ em từ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi đi khám chữa bệnh cần có người đại diện hợp pháp đứng ra quyết định việc khám chữa bệnh. Tuy nhiên đối với trường hợp khẩn cấp như cấp cứu để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở y tế có thể ra quyết định chữa trị cho bệnh nhân nếu không có mặt người đại diện.
Cơ sở khám chữa bệnh có được từ chối người già và trẻ em hay không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 6 Luật này, từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh được coi là hành vi bị cấm. Vì vậy, cơ sở y tế không được từ chối người bệnh bao gồm cả trẻ em và người già, ngoại trừ trường hợp được quy định tại Điều 32 Luật này về quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề y:
1. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
2. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.