Việc Đông Tây y kết hợp giúp bù trừ những ưu khuyết điểm của hai nên y học như khắc phục sự hạn chế về công cụ chẩn đoán trong y học cổ truyền hay giảm tình trạng lạm dụng thuốc trong y học hiện đại.

Ảnh minh hoạ
Đông – Tây y phối kết hợp đang dần là một xu hướng được nhiều người lựa chọn để khám chữa bệnh. Tuy nhiên muốn tiến hành việc kết hợp này, các cơ sở y tế cần xem xét kỹ những quy định liên quan do pháp luật quy định.
Nguyên tắc Đông Tây y kết hợp trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh là gì?
Theo Điều 2 Thông tư 50/2010/TT-BYT, nguyên tắc này được quy định như sau:
1. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc kết hợp khám bệnh, chẩn đoán, chữa bệnh y học cổ truyền với phương pháp khám bệnh, chẩn đoán, chữa bệnh của y học hiện đại và ngược lại.
2. Việc kết hợp các kỹ thuật, phương pháp y học cổ truyền với y học hiện đại phải tuân thủ Thông tư Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.
3. Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại thực hiện hài hòa, hợp lý theo bệnh, giai đoạn bệnh.
Ai có thể chỉ định Đông Tây y kết hợp trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh?
Theo Điều 3 Thông tư 50/2010/TT-BYT, người chỉ định kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
1. Bác sĩ đa khoa, bác sỹ y học cổ truyền, bác sỹ chuyên khoa;
2. Y sĩ y học cổ truyền, Y sỹ đa khoa tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi chưa có bác sĩ.
Các phương pháp Đông Tây y kết hợp trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh là gì?
Các phương pháp này được trình bày tại Điều 4 Thông tư 50/2010/TT-BYT bao gồm:
1. Trong khám bệnh: Tứ chẩn (vọng, văn, vấn, thiết).
2. Trong chữa bệnh:
a) Các phương pháp dùng thuốc: ngâm thuốc, đặt thuốc, xông hơi thuốc, khí dung, bó thuốc, chườm thuốc, thuốc dùng ngoài da, thuốc dùng đường uống, thuốc dùng đường tiêm và truyền tĩnh mạch.
b) Các phương pháp không dùng thuốc: xoa bóp, bấm huyệt, dưỡng sinh, khí công, các phương pháp châm, cứu, giác hút, cấy chỉ, chích lể.
Quy định về Đông Tây y kết hợp tại các Bệnh viện y học cổ truyền
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 50/2010/TT-BYT, việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại các Bệnh viện y học cổ truyền phải được thực hiện như sau:
1. Căn cứ vào Danh mục thuốc thiết yếu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, Giám đốc bệnh viện xây dựng Danh mục thuốc phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh tại bệnh viện.
2. Bệnh viện y học cổ truyền (trừ bệnh viện châm cứu) phải bảo đảm về tổ chức trong việc khám bệnh, điều trị ngoại trú, điều trị nội trú bằng thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, bào chế và cung ứng thuốc đông y, thuốc từ dược liệu theo nhu cầu điều trị.
Quy định về Đông Tây y kết hợp tại Bệnh viện khác
Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại bệnh viện khác được quy định tại Điều 7 Thông tư này như sau:
1. Thành lập khoa, bộ phận y học cổ truyền tại bệnh viện.
2. Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm chỉ đạo và phê duyệt việc phối hợp giữa các khoa, bộ phận trong việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, trong đó khoa, bộ phận y học cổ truyền là đầu mối.
3. Sử dụng các phương pháp y học cổ truyền trong khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Điều 4 Thông tư này.
4. Sử dụng phương tiện kỹ thuật của y học hiện đại phù hợp để chẩn đoán bệnh, tổ chức áp dụng, đánh giá kết quả các bài thuốc, phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền.
5. Bảo đảm có đủ dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu để đáp ứng việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh.
Quy định về Đông Tây y kết hợp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác
Theo Điều 8 Thông tư này, quy định về việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác được nêu rõ như sau:
1. Đối với cơ sở có bác sỹ đảm nhiệm việc khám bệnh, chữa bệnh: sử dụng các trang thiết bị của y học hiện đại và thuốc để khám bệnh, chữa bệnh.
2. Đối với cơ sở do y sỹ đảm nhiệm việc khám bệnh, chữa bệnh: sử dụng các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng của y học hiện đại để khám bệnh, chữa bệnh.