Ngày 21/2/2023, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố danh sách 54 tổ chức phát hành đã công bố thông tin bất thường, có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp...
Nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu
Thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu có nội dung chậm trả lãi trái phiếu cho trái chủ (tính từ 16-9-2022 đến 31-1-2023) được công bố trong danh sách 54 tổ chức phát, trong đó quy tụ nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau.

Bất động sản là ngành có nhiều công ty bị nêu tên, trong đó có: Tập đoàn Danh Khôi, Novaland, Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam, Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Apec Land Huế, Đầu tư và Phát triển Sunny World, GreenHill Village, Hưng Thịnh Incons, Đầu tư Hải Phát, Hưng Thịnh Investment, ...
Ngành giáo dục thì không thể không nhắc tới Công ty cổ phần Anh ngữ Apax của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) và công ty này có đề xuất chuyển nợ học phí thành hợp đồng cho vay,...
Ngành năng lượng cũng xuất hiện nhiều gương mặt như BCG Energy, Điện mặt trời Trung Nam, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, Xử lý rác thải và Năng lượng EU, Năng lượng tái tạo Đại Dương...
Ở mảng chứng khoán có Chứng khoán Tân Việt.
Tại danh sách chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, cũng xuất hiện hai gương mặt từng có sợi dây gắn kết với ông Đỗ Thành Nhân (đã bị truy tố với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán), gồm: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) và Công ty cổ phần VKC Holdings.
Cụ thể, đối với VKC Holding, theo kế hoạch trước đó, ngày 9/9/2022 sẽ là ngày doanh nghiệp này phải thanh toán lãi cho các trái chủ của mình.
VKC Holdings lý giải rằng, sau biến cố của ông Đỗ Thành Nhân và nhóm Louis Holdings, toàn bộ thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và Ban Tổng giám đốc đã từ nhiệm và bầu những lãnh đạo mới vào cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên. Sau khi Ban điều hành mới tiếp quản, qua thời gian rà soát lại tình hình tài chính, phía công ty nhận thấy có nhiều sai phạm nghiêm trọng của HĐQT và Ban Tổng giám đốc nhiệm kỳ cũ trong việc quản lý tài chính và phát hành lô trái phiếu VKCH2123001. Các sai phạm trên của các lãnh đạo cũ đã làm thất thoát tài sản của VKC Holdings khiến doanh nghiệp mất khả năng năng thanh toán đối với các chủ nợ.
Bất động sản chiếm tỉ trọng lớn trong tổng giá trị đáo hạn trái phiếu
Theo Chứng khoán VNDirect, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 251.850 tỉ đồng (+64,4% so với cùng kỳ năm trước) trong năm 2023.
Trong đó bất động sản chiếm tỉ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm (tương đương 107.750 tỉ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó không thể không nhắc đến thông tin Novaland giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do công ty đang đầu tư và phát triển.
Tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn thứ hai với 31% (tương đương 77.650 tỉ đồng, tăng 24%). Các ngành khác chiếm hơn 26% (đạt 66.440 tỉ đồng, tăng hơn 126%).