Thật không khó để hiểu tại sao VNG được đánh giá là kỳ lân khi cổ phiếu của công ty đã tăng 5,6 lần chỉ sau hơn một tháng niêm yết trên sàn UpCOM.
Ngày 14.2, Thị trường chứng khoán ở cửa giao dịch với các chỉ số chính biến động liên tục với chiều hướng sụt giảm. Chốt phiên, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG vẫn tím lịm từ đầu đến hết phiên và chốt ở giá 1.181.500 đồng - ghi nhận cổ phiếu có giá cao nhất trên sàn chứng khoán Việt từ trước đến nay.
Thị giá VNZ của Công ty CP VNG từ mức giá 240.000 đồng/cổ phiếu ngày 5/1/2023 lên 1.358.700 đồng/cổ phiếu phiên giao dịch hôm qua - ngày 15/2. Thật không khó để hiểu tại sao VNG tự nhận là kỳ lân khi cổ phiếu của công ty đã tăng 5,6 lần chỉ sau hơn một tháng niêm yết trên sàn UpCOM.
Với mức giá này, vốn hóa của VNG tăng lên 48.700 tỷ đồng, khối tài sản của nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh cũng tăng tương ứng lên gần 4.800 tỷ đồng. Trong quá khứ hơn 20 năm, chưa từng có một cổ phiếu nào thiết lập ở vùng 1,3 triệu đồng/cổ phiếu. VNZ tựa như một kỳ lân trên sàn chứng khoán Việt Nam về thị giá.

Ảnh: Nguồn Internet
Bắt đầu lên sàn UpCOM từ ngày 5.1 nhưng trong suốt tháng 1, cổ phiếu VNZ hoàn toàn không có giao dịch nên giá vẫn giữ ở mức tham chiếu 240.000 đồng. Tuy nhiên, ngày 1.2, có đúng 100 đơn vị cổ phiếu VNZ (là lô giao dịch chẵn tối thiểu trên UPCoM) bất ngờ được khớp lệnh ở giá trần, tăng thêm 40% so với mức tham chiếu lên 336.000 đồng.
Thị giá của VNZ tăng ngoạn mục trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, dòng tiền cá nhân thận trọng, cổ phiếu nhóm công nghệ chịu áp lực điều chỉnh mạnh. Dù là những tập đoàn công nghệ đã niêm yếu khá lâu trên sàn như FPT, CMC, ICT... nhưng thị giá của Tập đoàn CMG chỉ bằng 1/28 và Tập đoàn FPT chỉ bằng 1/15 so với cổ phiếu của VNG
Đà tăng của cổ phiếu VNG trong bối cảnh thị trường chung sụt giảm nhưng thanh khoản của VNZ rất thấp chỉ rơi vào khoảng 100-300 cổ phiếu được sang tay mỗi phiên kể từ tháng 2/2023 và 3 phiên gần đây mới tăng lên đến số lượng 5 - 6 nghìn cổ phiếu được sang tay. Và đặc biệt công ty thua lỗ lên đến 1.315 tỉ đồng năm 2022. Đây cũng là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của VNG.
Quan sát cũng cho thấy, trong khi bên bán gần như không có và chỉ có khoảng 80-90 lệnh đặt mua cổ phiếu trung bình mỗi phiên cùng với khối lượng trung bình vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị.
Vậy ai là người sẵn sàng trả mức giá trên để sở hữu cổ phiếu VNZ hay nói cách khác, "cơn gió nào" đang kéo cổ phiếu VNZ tăng kịch trần hơn một tháng qua đang là dấu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Ban lãnh đạo VNG giải thích, công ty không có bất kỳ sự can thiệp nào hay kiểm soát đối với cổ phiếu trong thời điểm vừa qua. giá cổ phiếu hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu thị trường và thị hiếu nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư.