4 phút đọc

2/15/2023

Ngộ độc thực phẩm: biểu hiện, xử lý và phòng ngừa

Ngộ độc thực phẩm còn gọi là ngộ độc thức ăn hay trúng thực là tình trạng mà sau khi ăn, uống phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay các thực phẩm biến chất, ôi thiu... nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng

Các dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm.

Biểu hiện đau bụng

Đau bụng có thể đau nhẹ, đau vừa hay đau dữ dội là một trong những biểu hiện của ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân này là do ăn phải thực phẩm chứa các sinh vật gây hại tạo ra độc tố gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột.. làm xuất hiện biểu hiện đau bụng. Biểu hiện đau do co thắt cơ dạ dày vùng trên rốn hoặc ruột non quanh rốn để tăng tốc độ chuyển động tự nhiên của ống tiêu hóa nhằm loại bỏ các sinh vật gây hại càng nhanh càng tốt. Vì vậy, người bị ngộ độc thực phẩm có những cơn đau quặn vùng bụng khiến bệnh nhân khó chịu. 

Biểu hiện tiêu chảy

Tiêu chảy là biểu hiện ngộ độc thực phẩm phổ biến, chính là tình trạng đi phân lỏng nhiều lần (> 4 lần/ngày) nhưng không phải kiểu đi xối xả như những người bị tả.

Đây là một biểu hiện điển hình xảy ra khi tình trạng viêm khiến cho ruột làm việc kém hiệu quả trong quá trình tái hấp thu nước và các chất lỏng khác tiết ra trong quá trình tiêu hóa. Phân có mùi khó chịu, phân nát hoặc lỏng, có thể có lẫn chất nhầy hoặc máu.

Biểu hiện buồn nôn và nôn

Ở người ngộ độc thực phẩm thường có các biểu hiện buồn nôn và nôn, điều này xuất hiện khi cơ bụng và cơ hoành co bóp mạnh, khiến người bệnh phải đưa những chất có trong dạ dày ra khỏi miệng.

Biểu hiện mệt mỏi, chán ăn

Khi bị ngộ độc thực phẩm ngoài các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy thì người bệnh còn có các biểu hiện mệt mỏi, chán ăn. Nguyên nhân là người bệnh đau bụng, tiêu chảy,.. dẫn đến tình trạng mất nước nên khiến cho người bệnh không muốn ăn uống và mệt mỏi.

Biểu hiện sốt, ớn lạnh

Khi ngộ độc thực phẩm người bệnh có biểu hiện thân nhiệt cao, có thể sốt nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn 38ºC. 

 

Hình ảnh: Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng sẽ dẫn đến tử vong. Vì vậy, cần có các biện pháp xử lý kịp thời và nhanh chóng.

Các biện pháp xử lý người bị ngộ độc thực phẩm

- Bù nước: Nếu bị ngộ độc thực phẩm điều quan trọng là phải bù đủ nước.  Nước trà gừng giúp ấm bụng. Các loại trà thảo mộc không chứa caffein như hoa cúc, bạc hà và bồ công anh có thể giúp làm dịu cơn đau dạ dày. Đồ uống thể thao có nhiều chất điện giải có thể hữu ích, nước ép trái cây và nước dừa có thể phục hồi carbohydrate và giúp giảm mệt mỏi nhưng chỉ dùng khi bệnh đã ổn. Tránh cafein, có thể gây kích ứng đường tiêu hóa.

- Dùng thuốc không kê đơn (OTC). Các loại thuốc không kê đơn  như Loperamid (Imodium) và Pepto-Bismol có thể giúp kiểm soát tiêu chảy và giảm buồn nôn nhưng phải có chỉ định của  bác sĩ  bởi việc sử dụng các loại thuốc này có thể che giấu mức độ nghiêm trọng của bệnh và khiến bạn trì hoãn đi khám bệnh.

- Uống thuốc theo đơn.

- Điều quan trọng đối với những người bị ngộ độc thực phẩm là được nghỉ ngơi nhiều.

Trong những trường hợp ngộ độc nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định bù nước bằng dung dịch tiêm tĩnh mạch tại bệnh viện. Một số trường hợp ngộ độc thực phẩm nặng có thể phải nằm viện.

Để tránh ngộ độc thực phẩm, trong đời sống hàng ngày chúng ta cũng cần có các biện pháp phòng ngừa.

Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, cần chú ý:

  • Rửa tay kỹ bằng nước xà phòng ấm trước và sau khi xử lý hoặc chuẩn bị thức ăn. 

  • Dùng nước xà phòng nóng để rửa thớt, đồ dùng nhà bếp và các bề mặt khác mà bạn sử dụng. 

  • Giữ thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm ăn liền. 

  • Khi đi mua sắm, chuẩn bị thực phẩm hoặc bảo quản thực phẩm, hãy để thịt sống, thịt gia cầm, cá và động vật có vỏ cách xa các thực phẩm khác để ngăn ngừa lây nhiễm chéo. 

  • Nấu thức ăn đến nhiệt độ an toàn. Chúng ta có thể tiêu diệt các sinh vật gây hại trong hầu hết các loại thực phẩm bằng cách nấu chín chúng ở nhiệt độ thích hợp. 

  • Kiên quyết loại bỏ thực phẩm khi nghi ngờ đã bị hư hỏng. 

Hình ảnh. Các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

  • Nếu không chắc thực phẩm đã được bảo quản an toàn hay chưa thì nên loại bỏ thực phẩm đó. Thực phẩm để ở nhiệt độ phòng quá lâu có thể chứa vi khuẩn hoặc chất độc không thể bị tiêu diệt bằng cách nấu chín, ngay cả khi nó trông thấy tươi ngon và có mùi thơm. 

Nguồn: báo Sức khoẻ đời sống, báo Tuổi trẻ

 

#Lifestyle
Bình luận