1 phút đọc

2/14/2023

KHI NÀO BÁC SĨ PHẢI HỘI CHẨN?

Nếu bạn là người hành nghề lâu năm thì hội chẩn chắc hẳn là một nghiệp vụ chuyên môn quen thuộc. Nhưng nếu bạn còn đang là những sinh viên y dược thì có thể còn mơ hồ với khái niệm này

Hội chẩn là gì?

“Hội chẩn là hình thức thảo luận giữa những người hành nghề về tình trạng bệnh của người bệnh để chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời”, theo Điều 2, luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Tại sao phải tổ chức hội chẩn?

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 56 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, việc hội chẩn được quy định như sau:

Việc hội chẩn được thực hiện khi bệnh vượt quá khả năng chẩn đoán và điều trị của người hành nghề hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đã điều trị nhưng bệnh không có tiến triển tốt hoặc có diễn biến xấu đi.

Hội chẩn bao gồm các hình thức nào?

Theo Khoản 2, Điều 56, luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, các hình thức hội chẩn bao gồm:

  • Hội chẩn khoa;
  • Hội chẩn liên khoa;
  • Hội chẩn liên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
  • Hội chẩn qua tham khảo ý kiến chuyên gia;
  • Hội chẩn từ xa bằng công nghệ thông tin;
  • Hội chẩn khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hội chẩn còn được sử dụng trong trường hợp nào không?

Căn cứ vào khoản 2 Điều 54 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009:

Khi việc cấp cứu vượt quá khả năng chuyên môn thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

a) Tổ chức hội chẩn theo quy định tại Điều 56 của Luật này;

b) Mời cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác đến hỗ trợ cấp cứu;

c) Chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.

Như vậy, hội chẩn có thể được tổ chức trong trường hợp cấp cứu cho người bệnh mà vượt quá chuyên môn của người hành nghề để đảm bảo an toàn, sức khoẻ và tính mạng cho người bệnh tốt nhất.

 

 

 

 

Bình luận