Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 được Quốc hội thông qua vào ngày 09/01/2023 tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 khóa XV. Một trong số những điểm thay đổi đáng chú ý là tên gọi của “Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” thành “Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”.

Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực bao lâu?
Theo quy định, giấy phép hành nghề y sẽ có thời hạn 5 năm. Mỗi người hành nghề chỉ được cấp 1 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc. Nội dung của giấy phép hành nghề bao gồm các thông tin cơ bản sau đây:
- Họ và tên;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Số định danh cá nhân đối với người hành nghề Việt Nam;
- Số hộ chiếu và quốc tịch đối với người hành nghề nước ngoài;
- Chức danh chuyên môn;
- Phạm vi hành nghề;
- Thời hạn của giấy phép hành nghề.
Những cá nhân đề nghị cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề mà phải cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh.
Điều 26; Mục 3; Chương 3 trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề, bao gồm: Bác sĩ; Y sỹ; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Dinh dưỡng lâm sàng; Cấp cứu viên ngoại viện; Tâm lý lâm sàng; Lương y; Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề y và quy định thừa nhận giấy phép hành nghề y do nước ngoài cấp
Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 quy định, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.
Trong khi đó, giấy phép hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được xem xét thừa nhận khi đáp ứng đủ các điều kiện: Được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là bên ký kết; giấy phép hành nghề được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài mà cơ quan, tổ chức đó được Bộ Y tế đánh giá để thừa nhận theo quy định.
Ngoài ra, giấy phép hành nghề y do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được thừa nhận phải là giấy phép còn hiệu lực tại thời điểm đề nghị thừa nhận và có thông tin về chức danh chuyên môn và chức danh đó phải tương đương với một trong các chức danh chuyên môn được quy định.
Đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép
Phương thức cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ chuyển từ quy định xét duyệt hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh bác sĩ từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2026 không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định.
Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh từ ngày 01/01/ 2024 đến hết ngày 31/12/2027 không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định.
Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2028 không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định.
Người được cấp văn bằng đào tạo y sỹ trình độ trung cấp sau ngày 31/2/2026 thì không được cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ.
Chuyển đổi từ CCHN sang Giấy phép hành nghề
Việc chuyển đổi từ “Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” được cấp trước ngày 01/01/2024 sang “Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” sẽ được thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định và thực hiện việc gia hạn theo định kỳ 05 năm một lần kể từ ngày chuyển đổi.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với hồ sơ đã nộp trước ngày 01/01/2024 được thực hiện theo quy định tại Luật Khám bệnh chữa bệnh 2009 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14.