4 phút đọc
8/22/2023
[Quy trình kỹ thuật] Kỹ thuật đặt điện cực tủy sống qua da kèm bộ phát kích thích dưới da - Bộ Y tế 04/01/2022
Hướng dẫn kỹ thuật đặt điện cực tủy sống qua da kèm bộ phát kích thích dưới da được ban hành trong Quyết định số 11/QĐ-BYT ngày 04 tháng 01 năm 2022.
I. ĐẠI CƯƠNG
Đau thắt lưng mạn tính ảnh hưởng đến 20% người trưởng thành ở các nước phát triển và trở thành gánh nặng bệnh tật cho xã hội. Biểu hiện đau lưng mạn tính là đau lan tỏa vùng thắt lưng, cảm thấy khó khăn khi đứng lên hoặc ngồi xuống khi buổi sáng thức dậy, nặng hơn có thể tê buốt chân, mất cảm giác do tê bì quá nặng, thậm chí người bệnh không thể tiếp tục công việc hàng ngày. Tiêu chuẩn đau lưng mạn tính khi thời gian đau kéo dài hơn 12 tuần, thậm chí nhiều năm, không cải thiện bằng các biện pháp điều trị khác.
Phẫu thuật kích thích tủy sống (spinal cord stimulation) sử dụng điện cực đặt vào tủy sống (ngoài màng cứng) giúp cải thiện tốt các triệu chứng của bệnh lý đau lưng mạn tính, điện cực tạo ra kích thích với dòng điện tần số cao 10kHz, biên độ kích thích thấp và không gây cảm giác đau chói, dị cảm như các phương pháp truyền thống khác phương pháp này đã và đang được áp dụng và được đánh giá rất hiệu quả ở các nước tiên tiến trên thế giới. Tỉ lệ giảm đau cải thiện tốt có thể đạt 50% - 80%.
II. CHỈ ĐỊNH
- Bệnh lý đau lưng mạn tính sau mổ (kéo dài trên 12 tuần) mức độ B không cải thiện bằng các biện pháp nội khoa.
- Đau mạn tính có nguồn gốc thần kinh, vùng đau có khu trú khoang vùng tủy tương ứng.
- Hội chứng đau mạn tính phức tạp nhiều khoang vùng tủy tương ứng (mức độ B)
- Đau mạn tính nguồn gốc rễ thần kinh (mức độ D)
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Chưa bắt đầu bằng điều trị nội khoa.
- Tình trạng toàn thân không cho phép: suy kiệt, rối loạn đông máu.
- Nhiễm trùng vùng thắt lưng.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
- Phẫu thuật viên chuyên khoa.
- Phụ mổ: 01 phẫu thuật viên chuyên khoa
2. Người bệnh
- Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa của người bệnh.
- Nâng cao thể trạng, cân bằng những rối loạn do hậu quả của bệnh hoặc do cơ địa, bệnh mãn tính, tuổi.
- Điều trị ổn định các bệnh nội khoa như cao huyết áp, đái đường…trước khi can thiệp phẫu thuật. Truyền máu nếu người bệnh có thiếu máu nhiều.
- Nhịn ăn, vệ sinh gội đầu và toàn thân.
- Kháng sinh dự phòng trước mổ.
3. Phương tiện
- Dao mổ, kéo mổ, kẹp phẫu tích, pince, kẹp toan, chỉ khâu, bông, gạc, bông cầm máu
- C-arm
4. Thời gian phẫu thuật: 120 phút
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Tư thế: Người bệnh nằm nghiêng 90 độ
2. Vô cảm: Gây mê toàn thân: nội khí quản, gây mê toàn thân
3. Kỹ thuật
- Sát trùng vị trí thắt lưng L1-L2, gây tê đường rạch da bằng dung dịch thuốc tê hỗn hợp (tỉ lệ 50%:50%) của 1% Lidocain + 1: 100000 epinerphrine và 0,5% bupivacaine. Kiểm tra vị trí trên C-arm.
- Rạch da 3cm vị trí đã xác định, bộc lộ đường vào khe liên đốt sống L1-L2
- Luồn dây điện cực vào tủy sống (ngoài màng cứng), hướng lên phía trên tủy sống một đoạn 20cm, kiểm tra dưới C-arm vị trí và độ dài điện cực.
- Cố định phần đầu ra của điện cực.
- Rạch da 4cm vị trí hố chậu phải, tạo buồng chứa bộ phát xung kích thích, cố định bộ phát xung kích thích.
- Luồn dưới da phần dây kết nối điện cực và kết nối với bộ phát xung kích thích.
- Kiểm tra hoạt động và kết nối của hệ thống kích thích.
- Đóng vết mổ.
VI. THEO DÕI VÀ NGUYÊN TẮC XỬ LÝ TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG
1. Theo dõi: Tri giác, dấu hiệu sinh tồn (mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ), vết mổ.
2. Biến chứng liên quan đến phẫu thuật
- Rò dịch não tủy qua vết mổ
- Nhiễm trùng: 4,5% (nhiễm trùng vết mổ), nhiễm trùng sâu: 0,1%
- Di lệch điện cực, mất kết nối điện cực
- Tử vong
[Quy trình kỹ thuật] Phẫu thuật dẫn lưu máu tụ trong não thất - Bộ Y tế 04/01/2022